Giá đồng nối dài đà giảm trong phiên sáng cuối tuần, khi triển vọng tiêu thụ đang bị lu mờ bởi lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Áp lực từ việc hàng loạt các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất đang đè nặng lên triển vọng kinh tế thế giới. Việc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) bất ngờ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản đã gây tác động mạnh tới thị trường tài chính. Hơn nữa, giới phân tích cho rằng nền kinh tế Anh có thể bị đình trệ và thậm chí là suy thoái trong năm nay.
Ngân hàng trung ương Na Uy hôm thứ Năm cũng khiến thị trường choáng váng với việc tăng 50 điểm cơ bản và cho biết họ nhắm đến một đợt tăng khác vào tháng 8. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản trong cùng ngày và báo hiệu sẽ có nhiều biện pháp thắt chặt hơn nữa.
Hơn nữa, vào đầu tháng này, Ngân hàng Dự trữ Úc và Ngân hàng Canada đã đưa ra các đợt tăng lãi suất bất ngờ khi thị trường đang nghiêng về phía tạm dừng.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều cho biết sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Môi trường lãi suất cao trên toàn cầu đang làm gia tăng lo ngại suy thoái kinh tế và thúc đẩy nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao nhất. Điều này có thể khiến đồng USD tăng mạnh và gây sức ép tới thị trường hàng hoá nói chung và thị trường đồng nói riêng.
Tuy vậy, triển vọng của ngành ô tô điện tại Trung Quốc đang là điểm sáng của thị trường. Vào 22/06, Bộ tài chính Trung Quốc tuyên bố giảm thuế trị giá 72 tỷ USD cho người mua xe năng lượng mới (NEV), nối tiếp chiến dịch của Bộ Thương mại vào 08/06 nhằm thúc đẩy nhu cầu mua xe điện tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Theo đó, nhờ vào việc Chính phủ tăng cường các biện pháp thúc đẩy nhu cầu xe điện, doanh số bán xe điện được dự báo sẽ tăng 30% vào năm 2024, tăng tốc từ mức 15% ước tính trong năm nay. Điều này gián tiếp củng cố cho triển vọng tiêu thụ đồng là nguyên liệu quan trọng để sản xuất xe điện.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv