Mở cửa phiên giao dịch ngày 30/09, giá đậu tương vẫn chỉ đang giằng co quanh tham chiếu, diễn biến thường thấy trước thềm công bố báo cáo. Trong suốt vài phiên vừa qua, lực bán đã hoàn toàn chiếm ưu thế khi giá đã ở trong nhịp giảm liên tục từ vùng 1500. Tuy nhiên, giá đậu tương đang xuất hiện dấu hiệu hồi phục trở lại từ hỗ trợ tâm lí 1400 và những số liệu trong báo cáo tối này nhiều khả năng cũng sẽ thúc đẩy lực mua.

Tồn kho đậu tương Mỹ chốt niên vụ 21/22 đang được dự đoán sẽ giảm xuống mức 242 triệu giạ từ mức 971 triệu giạ trong báo cáo cuối quý II. Khối lượng đậu tương sử dụng trong quý 3 tăng mạnh là nguyên nhân lý giải cho số liệu trên. Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh khi các nước chuyển sáng nguồn cung của Mỹ trong bối cảnh mùa vụ của Brazil bị thiệt hại. Cùng với đó, ép dầu trong 3 tháng này đều cao hơn so với cùng kì năm ngoái. Nếu tính từ số liệu có sẵn trong giai đoạn này về xuất khẩu của USDA và ép dầu của NOPA thì cũng không phải là thông tin bất ngờ nếu như tồn kho thực tế trong báo cáo tối nay thậm chí còn thấp hơn so với mức dự đoán. Và nếu tính tồn kho ở mức 242 triệu giạ, đồng nghĩa với việc 729 triệu giạ se được ghi nhận vào phần tiêu thụ kể từ ngày 1/6 cho tới 1/9. Con số này tăng mạnh tới hơn 43% so với mức tiêu thụ trong cùng kì năm ngoái. Điều này càng củng cố cho khả năng tồn kho đậu tương Mỹ niên vụ 21/22 sẽ tiếp tục giảm xuống. Hiện tại, ước tính tồn kho cho niên vụ tới đã ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua nên theo đánh giá của chúng tôi, nếu như số liệu thấp hơn dự kiến thì sẽ là yếu tố hỗ trợ khá mạnh đối với giá.

Xét về mặt kĩ thuật, giá đậu tương đã hồi phục trở lại từ vùng 1400. Mặc dù không quá mạnh nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy nhịp giảm đã kết thúc. Bên cạnh đó, mặc dù dự đoán cho báo cáo tối nay cho thấy tồn kho sụt giảm nhưgn giá vẫn chưa phản ánh nên có thể tác động “bullish” sẽ càng lớn hơn.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv