Mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ đà tăng vọt của giá lúa mì trong phiên hôm qua, tuy nhiên giá đậu tương hợp đồng tháng 11 vẫn chưa thể phá vỡ vùng kháng cự mạnh 1420-1430. Với sự xuất hiện của các báo cáo quan trọng là Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) và Tiến độ mùa vụ (Crop Progress), thị trường đã dần xác định được xu hướng giá đậu tương trong ngắn hạn. Với các dữ liệu từ hai báo cáo trên, chúng tôi cho rằng giá đậu tương nhiều khả năng sẽ suy yếu trong hôm nay.
Dữ liệu từ báo cáo Export Inspections tối qua cho thấy, Mỹ đã giao 283.378 tấn đậu tương trong tuần 14/07-20/07, tăng so với mức 160.305 tấn của một tuần trước đó. Lũy kế giao hàng đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ tới ngày 20/07 đạt 50,177 triệu tấn, vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 53,887 triệu tấn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nước này sẽ xuất khẩu trong niên vụ hiện tại, trong khi chỉ còn 6 tuần nữa là niên vụ đậu tương 22/23 của Mỹ sẽ kết thúc. Do khối lượng giao hàng phản ánh tốc độ xuất khẩu thực tế, nên khả năng cao nước này sẽ không hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đậu tương trong niên vụ hiện tại, và vấn đề cần quan tâm lúc này sẽ là điều chỉnh của USDA đối với số tồn kho đậu tương Mỹ cuối vụ 22/23 trong báo cáo triển vọng cung cầu tháng 08. Với kết quả xuất khẩu chậm chạp thời gian gần đây của Mỹ, giá đậu tương sẽ chịu áp lực trong thời gian tới.
Tuy nhiên, yếu tố thời tiết vẫn đang ẩn chứa rủi ro với triển vọng vụ đậu tương mới của Mỹ. Trong báo cáo Crop Progress sáng nay, USDA cho biết 54% diện tích đậu tương ở Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần 17/07-23/07, so với mức 55% của một tuần trước. Số liệu trên cho thấy mùa vụ tại Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khô hạn, trong bối cảnh nắng nóng có khả năng quay trở lại Midwest trong tuần này, và đậu tương sắp bước vào giai đoạn phát triển quan trọng trong tháng 08.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv