Xu hướng giằng co từ phiên hôm qua tiếp tục duy trì đối với giá đậu tương hợp đồng tháng 11 trong đầu phiên hôm nay. Tuy vậy, giá vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ trong phiên hôm nay, chủ yếu nhờ lực mua kỹ thuật của thị trường. Về mặt cơ bản, triển vọng nguồn cung tích cực trong dài hạn từ Brazil vẫn đang là yếu tố “bearish” tiềm ẩn có thể đẩy giá đậu tương về vùng 1300.

Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) dự báo, Brazil sẽ thu hoạch mức kỷ lục 162,4 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, tăng 5% so với niên vụ trước, chủ yếu do diện tích canh tác được mở rộng cũng như năng suất cây trồng cao hơn. CONAB dự kiến diện tích canh tác và năng suất đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil đạt 45,3 triệu héc-ta và 3,585 tấn/héc-ta, tăng lần lượt 2,8% và 2,2% so với niên vụ trước.

Theo CONAB, dù hiện tại giá đậu tương ở Brazil đang chịu áp lực giảm, nhưng đây vẫn là loại cây trồng có tính thanh khoản cao trên thị trường, do đó nông dân sẽ vẫn mở rộng diện tích canh tác đậu tương trong năm nay. Bên cạnh đó, với mức sản lượng dự kiến đạt kỷ lục, xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil được dự báo sẽ vượt mốc 100 triệu tấn lần đầu tiên trong lịch sử. CONAB hiện đặt con số này ở mức 101,45 triệu tấn, so với mức 96,9 triệu tấn của niên vụ 22/23.

Trên thực địa, hoạt động gieo trồng đậu tương vụ mới ở Brazil đã bắt đầu. Sở Kinh tế Nông thôn Parana (Deral) cho biết, tiến độ trồng đậu tương niên vụ 23/24 ở bang đạt 6% kế hoạch tính tới ngày 19/9, tăng 5 điểm phần trăm so với một tuần trước. Tốc độ trồng đậu tương năm nay ở bang sản xuất lớn thứ 2 của Brazil được đánh giá là nhanh nhất kể từ năm 2018. Những cơn mưa gần đây đã cung cấp độ ẩm đất phù hợp, giúp hoạt động gieo trồng diễn ra thuận lợi dù trước đó có dự báo rằng nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở một số khu vực. Nhìn chung, triển vọng dài hạn cũng như tình hình mùa vụ thực tế tại Brazil đang rất khả quan, và giá đậu tương CBOT có thể chịu áp lực lớn trong hôm nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv