Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 diễn biến tương đối giằng co trong đầu phiên hôm nay, với phe mua vẫn đang tạm chiếm ưu thế. Nhìn chung, đà tăng hiện tại của giá vẫn đang bị kìm hãm bởi các yếu tố kỹ thuật, trong khi về cơ bản các thông tin về nguồn cung cũng như nhu cầu hiện đều mang tính “bullish” đối với giá. Do đó, nhiều khả năng giá đậu tương sẽ test lại vùng tâm lý 1300 trong hôm nay.

Về phía nguồn cung, báo cáo cung cầu tháng 10 của USDA được công bố vào cuối tuần trước vẫn duy trì tác động hỗ trợ đối với giá đậu tương. Với việc diện tích thu hoạch không có sự thay đổi, trong khi năng suất dự kiến giảm do ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ được dự báo sẽ đạt 4,1 tỷ giạ, giảm so với mức 4,15 tỷ giạ ước tính tháng 09 của USDA.

Sản lượng thu hẹp dẫn đến xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ cũng bị cắt giảm xuống còn 1,76 tỷ giạ, từ mức 1,79 tỷ giạ ước tính tháng trước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn cần theo dõi thêm báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) tuần này để có thể đánh giá chính xác hơn triển vọng vụ đậu tương năm nay của Mỹ.

 Đối với nhu cầu, trước thềm công bố báo cáo tháng 10 của Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA), thị trường hiện đang dự đoán khối lượng ép dầu đậu tương tháng vừa rồi của Mỹ sẽ đạt 161,68 triệu giạ. Nếu trở thành hiện thực, đây sẽ là khối lượng ép dầu đậu tương kỷ lục được ghi nhận cho giai đoạn tháng 09.

Theo các chuyên gia được Reuters khảo sát, khối lượng ép dầu dậu của Mỹ thường giảm về mức thấp trước tháng 09, do các nhà máy tiến hành bảo trì định kỳ trước khi vụ thu hoạch đậu tương diễn ra. Vì vậy, nhu cầu ép dầu của Mỹ dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới, khi hoạt động thu hoạch đã đi được một nửa chặng đường. Điều này kết hợp với sự thu hẹp nguồn cung của Mỹ sẽ là yếu tố “bullish” trong thời gian tới đối với giá đậu tương.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv