Mở cửa phiên giao dịch ngày 01/09, giá đậu tương đang tiếp nối đà suy yếu từ 3 phiên trước đó và hướng về đường trendline hỗ trợ của vùng tam giác biến động được thiết lập trong 2 tháng qua. Những yếu tố cơ bản tác động lên đậu tương trong ngắn hạn vẫn đang trái chiều nhau nên giá đậu tương có thể sẽ khó giảm sâu ngay.

Hôm nay sẽ chính thức bước sang niên vụ 2022/23 tại Mỹ, cũng thường là giai đoạn nước này bắt đầu hoạt động thu hoạch đậu tương và bán hàng. Những đơn hàng đặt trước trong các báo cáo Daily Export Sales xuất hiện liên tục trong thời gian gần đây cũng đã cho thấy nhu cầu nhập khẩu đậu tương Mỹ đang dần hồi phục trở lại. Từ tuần này, có khả năng số liệu bán hàng trong các báo cáo Export Sales hàng tuần sẽ tăng lên. Tuy nhiên, báo cáo này đang bị hoãn công bố trong 3 tuần do USDA đang khởi động hệ thống mới. Điều này cũng là nguyên nhân khiến cho giá vẫn chưa có xu hướng biến động rõ ràng mà thị trường vẫn đang chờ đợi các số liệu thực tế.

Không những thể hiện triển vọng nhu cầu đối với mùa vụ mới, các số liệu xuất khẩu trong niên vụ 21/22 cũng sẽ là yếu tố quan trọng mà thị trường cần chú ý trong giai đoạn này. Bên cạnh báo cáo Export Sales vẫn đang tạm dừng phát hành, báo cáo Export Inspections thứ 2 hàng tuần cũng phản ánh tình hình đậu tương lên tàu cảng. Cụ thể, luỹ kế xuất khẩu đậu tương tính đến nay mới chỉ đạt mức 56.44 triệu tấn, trong khi ước tính của USDA cho niên vụ 21/22 là 58.65 triệu tấn. Tổng luỹ kế giao hàng mới chỉ đạt 94.28% so với xuất khẩu nên điều này đang dẫn tới khả năng xuất khẩu niên vụ 21/22 sẽ thấp hơn mức dự kiến, kéo theo tồn kho đầu niên vụ 22/23 cũng sẽ tăng lên. Cùng với triển vọng mùa vụ mới đang không quá nghiêm trọng, nguồn cung lại đang là yếu tố “bearish” với giá trong dài hạn.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv