Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua (26/10) sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Lực mua mạnh đối với các mặt hàng kim loại và năng lượng đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng mạnh 1,13%, lên mức 2.482 điểm, nối dài đà tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp.

Ngày hôm qua, đồng Dollar Mỹ suy yếu trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED sẽ giảm tốc tiến trình tăng lãi suất. Điều này đã tạo hỗ trợ rất mạnh cho các mặt hàng nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất công nghiệp như dầu thô và kim loại. Trong khi đó, giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục duy trì ổn định ở mức trên 4.200 tỷ đồng.

Sắc xanh bao phủ thị trường kim loại

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/10, ngoài trừ quặng sắt, các mặt hàng kim loại còn lại đều đón nhận lực mua tích cực. Đối với nhóm kim loại quý, bạc đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng nửa tháng qua, chốt phiên với giá 19,48 USD/ounce sau khi tăng 0,71%. Giá bạch kim bật tăng mạnh mẽ 4,65% lên mức  cao nhất kể từ ngày 15/8, đạt mức 962,5 USD/ounce. 

Một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ về sản xuất, bất động sản và niềm tin của người tiêu dùng đều không đạt được ước tính của các nhà kinh tế, nhấn mạnh những sức ép của chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất nhằm hạn chế tổn thất kinh tế. Ngân hàng Trung ương Canada cũng đã tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp mới đây, mức tăng thấp hơn dự kiến đã củng cố thêm kỳ vọng đối với Fed. 

Vào tối qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu doanh số bán nhà tháng 9 giảm mạnh hơn 10,9% so với tháng trước đó xuống còn 603.000. Trong khi đó, lãi suất hợp đồng trung bình đối với khoản vay thế chấp 30 năm hiện đã tăng lên 7,16%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Kỳ vọng Fed hạn chế thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu đã kéo chỉ số Dollar Index giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng qua. Đây là nguyên nhân chính hỗ trợ cho lực mua mạnh mẽ đối với phần lớn các mặt hàng kim loại trong phiên hôm qua, đặc biệt là kim loại quý như bạc và bạch kim. 

Đối với kim loại cơ bản, đồng COMEX ghi nhận mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 7, đóng cửa với mức giá 3,54 USD/pound sau khi tăng 4,36%. Theo nguồn tin từ Reuters, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bán ngoại tệ nhằm ổn định đồng Nhân dân tệ đang ở mức thấp nhất trong khoảng 15 năm, kéo đồng tiền này tăng vọt hơn 1% trong phiên. Chi phí nắm giữ đồng vật chất giảm đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ. 

Trái lại, quặng sắt tiếp tục gặp áp lực bán khi nhu cầu yếu đã đưa tồn kho quặng sắt bên cảng ở Trung Quốc lên 131,2 triệu tấn tính đến 21/10, đánh dấu mức tăng hàng tuần đầu tiên sau 5 tuần giảm liên tiếp.  

Xuất khẩu dầu Mỹ tăng kỷ lục

Giá dầu tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi Dollar Index suy yếu kết hợp với số liệu xuất khẩu dầu mạnh mẽ của Mỹ thúc đẩy đà tăng trong phiên tối. Cụ thể, kết thúc phiên 26/10, giá dầu WTI tăng 3,04% lên 87,91 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,32% lên 95,69 USD/thùng. 

Trong phiên sáng, giá dầu có lúc chịu áp lực, trước các thông tin tiêu cực về tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Mới đây nhất, nước này đã phong tỏa 1 trong các quận trung tâm của Vũ Hán, càng củng cố chính sách Zero-Covid của chính phủ.  

Tuy vậy, giá đã nhanh chóng phục hồi trở lại khi Dollar Index suy yếu sau dữ liệu vĩ mô gây thất vọng của Mỹ. Doanh số bán nhà giảm mạnh 10.9% trong tháng 9, kể cả khi số liệu tháng 8 cũng đã điều chỉnh giảm, cho thấy thị trường bất động sản chịu nhiều sức ép từ các đợt tăng lãi suất liên tiếp. Các nhà đầu tư kỳ vọng đến tháng 12, Fed sẽ bắt đầu giảm tốc quá trình tăng lãi suất để tránh gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế Anh được kỳ vọng sẽ dần ổn định hơn sau khi đã bầu ra Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính mới, đã khiến cho đồng Bảng Anh mạnh dần lên so với Dollar Mỹ. 

Bên cạnh đó, số liệu trong báo cáo thị trường của EIA cho thấy trong tuần kết thúc ngày 21/10, tồn kho dầu thô thương mại tăng 2,6 triệu thùng, thấp hơn so với số liệu 4,5 triệu thùng mà API đưa ra cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu. Đáng chú ý, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục 5,1 triệu thùng, xuất khẩu các sản phẩm nhiên liệu cũng tăng gần 1 triệu thùng so với kỳ báo cáo trước lên 6,3 triệu thùng, đã đẩy giá tăng mạnh 2 USD/thùng trong phiên. Với OPEC+ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, các công ty năng lượng Mỹ đang lấp vào khoảng trống mà nhóm nước Trung Đông để lại. Bên cạnh đó, chênh lệch Brent – WTI lên đến 8 USD/thùng cũng khiến cho dầu của Mỹ trở nên hấp dẫn đối với các quốc gia nhập khẩu. 

Giá dầu có thể tiếp tục được hỗ trợ trong phiên giao dịch sáng nay, khi Mỹ cho biết đang xây dựng lại kế hoạch áp đặt trần giá lên dầu Nga. Mức giá mới có thể sẽ cao hơn so với con số 40-60 USD/thùng đưa ra trước kia, với kỳ vọng điều này có thể thuyết phục nhiều quốc gia hợp tác hơn. Hiện tại, ngoài nhóm G7, mới có Australia cho biết sẽ tham gia vào kế hoạch. 

Giá xăng trong nước tăng 15 lần, giảm 12 lần kể từ đầu năm đến nay

Trên thị trường nội địa, giá xăng dầu trong nước tiếp tục ổn định sau kỳ điều hành ngày 21/10. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5 RON 92 lên 21.496 đồng/lít; xăng RON 95 lên 22.344 đồng/lít. Giá dầu diesel lên 24.783 đồng/lít, dầu hỏa tăng lên 23.663 đồng/lít, dầu mazut giảm còn 13.899 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 28 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 12 lần giảm và một lần giữ nguyên.        

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

 

 

Nguồn: Mxv