Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (09/09), thị trường nguyên liệu công nghiệp giữ thế giằng co khi hai sắc xanh đỏ phân bố đồng đều với tất cả các nhóm mặt hàng. Nhóm hàng cao su tiếp tục lao dốc mạnh do một số thông tin về tình hình kinh tế thế giới. Giá cao su RSS3 giao tháng 9 trên sàn Osaka giảm 1.3% xuống mức 197.4 JPY/kg, trong khi giá cao su TSR20 giao tháng 10 trên sàn Singapore giảm mạnh 2.6% xuống mức 175.2 US cents/kg.

Diễn biến giá cao su RSS3 giao tháng 9 trên sàn OSE

Số ca nhiễm Covid-19 tại các quốc gia sản xuất và tiêu thụ ô tô lớn là Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn đang không ngừng tăng lên, khiến nhu cầu đi lại và tiêu thụ lốp xe xuống thấp. Tâm lý chốt lời sau khi giá cao su đạt đỉnh cuối tuần trước khiến thị trường lo ngại một làn sóng bán tháo mới có thể tiếp tục kìm hãm đà tăng của mặt hàng này. 

Tuy nhiên, triển vọng bi quan của ngành cao su Malaysia có thể là tấm đệm đỡ giá cao su trong dài hạn. Ngành công nghiệp cao su tại Malaysia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, dù cố gắng đa dạng hóa đầu ra để không quá phụ thuộc vào sức kéo của ngành sản xuất găng tay cao su, trong bối cảnh nhu cầu đối với mặt hàng này vẫn rất lớn.

Theo Hiệp hội các nhà doanh nghiệp cao su Bumiputera Malaysia (PUGBM). Năng suất thấp, lực lượng lao động trong ngành cao su đa số là người lớn tuổi, và các đồn điền cao su không mang tính kinh tế của quy mô là những vấn đề sống còn mà ngành cao su nước này đang gặp phải. Năng suất giảm được cho là người trồng cao su Malaysia chậm ứng dụng công nghệ khoa học vào nông nghiệp.

Hiện có khoảng 450 nghìn hộ gia đình nhỏ lẻ trồng cao su tại Malaysia, tương đương lực lượng lao động khoảng 2.25 triệu người, tuy nhiên giới trẻ đang dần không mặn mà với công việc này bởi thu nhập bấp bệnh khiến ngành cao su đối mặt với tình hình thiếu hụt lao động trong tương lai.

 

Nguồn: mxvnews.com