Nhu cầu nhập khẩu bị đè nén

Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố dữ liệu cho thấy lượng đậu tương được nước này nhập khẩu trong tháng 9 vừa qua chỉ đạt 6,876 triệu tấn, giảm tới 27,5% so với hồi tháng 8 trước đó và giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Con số này hiện thấp hơn so với mức trung bình 5 năm gần nhất. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu suy giảm.

Nhập khẩu đậu tương
Diễn biến nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc và sản lượng ép dầu đậu tương của nước này trong thời gian qua

Thông thường Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu đậu tương từ Hoa Kỳ kể từ tháng 9 hàng năm khi vụ thu hoạch đậu tương tại Hoa Kỳ bắt đầu diễn ra nhằm tận dụng lợi thế nguồn cung cao và giá giảm. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động xuất khẩu đậu tương của Hoa Kỳ trong tháng 9 năm nay đã bị đình trệ nghiêm trọng khi siêu bão Ida gây thiệt hại khu cảng New Orleans – cảng xuất khẩu nông sản lớn nhất tại Hoa Kỳ.

Điều này đã đè nén hoạt động xuất khẩu của Hoa Kỳ cho đến khi khu cảng New Orleans dần khôi phục hoạt động trở lại từ nửa cuối tháng 9. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, Trung Quốc liên tục là điểm đến lớn nhất của các lô hàng đậu tương Hoa Kỳ với mức nhập khẩu cao vượt trội so với các quốc gia khác.

Tạp chí công thương cũng cho biết lượng nhập khẩu đậu tương trong tháng 9 vừa qua của Trung Quốc ở mức thấp còn chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại nước này. Công nghiệp chế biến đậu tương là một trong những nhóm ngành có mức tiêu thụ điện năng lớn nên nhiều nơi tại Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy chế biến đậu tương phải ngưng hoạt động hoặc giảm đáng kể công suất để đảm bảo nguồn cung điện.

Theo các dữ liệu ước tính, công suất hoạt động của các nhà máy ép dầu đậu tương tại khu vực phía Đông Trung Quốc, nơi có công suất nghiền lớn nhất cả nước, đã giảm từ 40% - 50% trong nửa đầu tháng 10. Bất chấp các nỗ lực đảm bảo nguồn cung năng lượng của Chính phủ Trung Quốc, một số nhận định cảnh báo tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc sẽ còn kéo dài đến tháng 1/2022 khi nước này qua giai đoạn cao điểm tiêu thụ điện.

Tăng tốc nhập khẩu trong thời gian tới

Tồn kho dầu đậu tương
Diễn biến tồn kho dầu đậu tương, kho đậu tương và giá dầu đậu tương tại Trung Quốc trong thời gian qua

Với mức tồn kho thấp so với chu kỳ hàng năm và xuất hiện xu hướng giảm ngắn hạn, đã đẩy giá đậu tương trên thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao. Giá đậu tương và dầu đậu tương trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã liên tục ở mức cao trong vòng 3 tháng trở lại đây. Do đó, Trung Quốc sẽ cần gia tăng nhập nhập khẩu đậu tương trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, đặc biệt là nhu cầu cho dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1/2022. Đồng thời, biên lợi nhuận của việc nghiền đậu tương tại Trung Quốc đã phục hồi trở lại, từ mức -15 USD/tấn lên 7 USD/tấn.

Tuy nhiên, yếu tố rủi ro lớn nhất hiện nay là tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc. Nếu tình trạng thiếu hụt năng lượng kéo dài thì hoạt động nghiền ép đậu tương tại nước này sẽ vẫn bị hạn chế và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu dầu đậu tương thay vì đậu tương thô.

Cơ quan Thông tin Ngũ cốc và Dầu Quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) hiện dự báo tổng lượng đậu tương được nước này nhập khẩu trong tháng 10 sẽ chỉ ở mức 6,3 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo lượng dầu đậu tương được nhập khẩu trong niên vụ 2021/2022 đã được CNGOIC điều chỉnh tăng mạnh 66% lên mức 1 triệu tấn.

Giới phân tích nhận định Argentina sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất khi Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu dầu đậu tương do Hoa Kỳ và Brazil không thể cung cấp đủ khi nhu cầu sử dụng đậu tương làm nhiên liệu sinh học tại hai nước này đang tăng cao.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn