Sau kì nghỉ lễ năm mới, thị trường đồng mở cửa phiên giao dịch sáng nay với mức biến động thấp, giá gần như giằng co đi ngang bởi thông tin cơ bản chưa đủ mạnh để xác định xu hướng giá.
Trong sáng nay, Trung Quốc đã công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Caixin đạt 50,8 điểm trong tháng 12/2023, cao hơn 0,4 điểm so với dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Mặc dù đây là số liệu khá tích cực, tuy nhiên, giá đồng vẫn diễn biến giằng co, do số liệu này có sức ảnh hưởng yếu hơn so với số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố. Tâm lý thị trường vốn đã trở nên bi quan hơn khi NBS công bố số liệu PMI sản xuất tiêu cực vào Chủ nhật tuần trước.
Cụ thể, theo NBS, hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp tháng thứ 3 liên tiếp khi chỉ số PMI sản xuất tháng 12 đạt 49 điểm, thấp hơn 0,6 điểm so với dự báo và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023. Đáng chú ý, chỉ số đơn đặt hàng mới đạt 48,7 điểm, giảm từ mức 49,4 điểm của tháng 11 và đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp, cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu.
Dữ liệu trên cung cấp thêm bằng chứng cho thấy đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn chậm chạm, bất chấp việc chính phủ nước này liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ. Các các nhà máy vẫn đang phải vật lộn với sức cầu kinh tế yếu kém và lợi nhuận sụt giảm. Trong khi đó, đồng vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành sản xuất. Do vậy, giá đồng có thể gặp sức ép trở lại.
Đối với kim loại quý, trong bối cảnh kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất vẫn đang được duy trì, giá bạc có thể tiếp tục duy trì đà tăng.
Tuy nhiên, nhiều khả năng giá bạch kim khó có thể tăng trong phiên hôm nay, do đà tăng của giá bạch kim đang dần chững lại sau khi giá chạm vùng kháng cự tâm lý 1.030 USD. Hơn nữa, so với bạc, giá bạch kim kém nhạy cảm hơn với yếu tố vĩ mô, do vậy, việc thị trường không có thông tin cơ bản nào mới có thể khiến giá bạch kim tiếp tục giằng co.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv