Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá đậu tương đang suy yếu trở lại theo diễn biến lao dốc chung của nhóm nông sản. Giá vẫn đang ở trong nhịp điều chỉnh từ vùng kháng cự 1500 trong xu hướng tăng. Tuần này, thị trường cơ bản thiếu vắng các thông tin mới đủ mạnh để dẫn dắt giá mà các thông tin bị lấn át bởi triển vọng kinh tế, khi cuộc họp FOMC diễn ra và Fed quyết định thực hiện lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp trong năm nay với mức điều chỉnh 75 điểm cơ bản.

Liên tục tăng giá do những động thái mạnh tay của Fed để kiểm soát lạm phát, đồng USD đang không ngừng lập đỉnh mới của 20 năm qua. Việc USD tăng giá mạnh đồng nghĩa với sự mất giá của các đồng tiền khác, và khiến chi phí nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sẽ đắt đỏ hơn. Đây là yếu tố lý giải cho mức suy yếu của các mặt hàng nông sản trong phiên sáng nay. Nếu như các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô hay chính sách về lãi suất thường sẽ tạo ra tác động mạnh nhưng sẽ không kéo dài thì bối cảnh hiện tại lại cho thấy triển vọng khác. Lạm phát toàn cầu cũng gây áp lực đòi hỏi các ngân hàng trung ương khác phải “chạy đua” lãi suất với Fed, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Lãi suất tăng gây giảm tốc tăng trưởng, khiến các nền kinh tế càng đuối sức và ảnh hưởng tới nhu cầu chi tiêu của người dân. Minh chứng trong quá khứ cho thấy tác động rõ ràng nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 cũng đã khiến cho giá nông sản bước vào 1 chu kỳ giảm mạnh. Mặc dù tình hình hiện tại vẫn chưa nghiêm trọng như năm 2008 nhưng cũng sẽ là dấu hiệu cho thấy khả năng giá đậu tương có thể sẽ đảo chiều và bước vào xu hướng giảm.

Mặc dù nhu cầu bị ảnh hưởng nhưng triển vọng nguồn cung bị thiệt hại lại đang là yếu tố hỗ trợ cho giá. Sản lượng đậu tương của Mỹ sụt giảm mạnh do năng suất ước tính thấp hơn nhiều so với dự kiến vẫn sẽ có thể hạn chế đà giảm của giá đậu tương trong trung hạn. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv