Áp lực bán gia tăng mạnh mẽ trên thị trường kim loại quý trong phiên sáng do đồng USD duy trì đà tăng, hạn chế sức mua so với các đồng tiền thương mại khác.
Phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bang Minneapolis, Neel Kashkari, đã củng cố đà tăng của đồng USD khi ông cho rằng FED vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm soát lạm phát và ông ủng hộ việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, thay vì không thắt chặt đủ để có thể đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) vừa công bố chiều nay, sản lượng công nghiệp của Đức trong tháng 10 giảm 1,4% so với tháng trước, giảm mạnh hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 0,1% của thị trường. Sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn đang bị đè nặng bởi áp lực lãi suất cao, làm gia tăng khả năng suy thoái có thể xảy ra. Điều này đã khiến cho đồng euro tiếp tục lao dốc, hỗ trợ chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị đồng USD và gián tiếp gây sức ép lên giá kim loại quý.
Trong khi đó, rủi ro địa chính trị tại Trung Đông cũng đã giảm bớt, khiến cho nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý chậm lại. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ xem xét việc tạm dừng trong giao tranh để tạo điều kiện cho việc tiếp nhận viện trợ hoặc đưa con tin ra khỏi Gaza.
Loạt phát biểu của các quan chức FED vào tối nay có thể sẽ là chất xúc tác chính lên đồng USD và gián tiếp chi phối đến xu hướng biến động của giá kim loại quý, đặc biệt là những bình luận từ Thống đốc FED Christopher Waller. Bất kỳ tín hiệu “diều hâu” được đưa ra có thể hỗ trợ đồng USD và đè nặng lên giá kim loại quý
Đối với giá đồng, tình hình tiêu thụ đồng tại Trung Quốc vẫn khá trầm lắng do ảnh hưởng kéo dài của sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản, có thể sẽ tiếp tục là yếu tố gây áp lực chính lên giá.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv