Đồng mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần 20/03 với lực mua khá tích cực, tuy nhiên sau đó lực bán dần áp đảo. Dự báo giá sẽ tiếp tục biến động mạnh hơn khi thị trường chứng khoán Mỹ vào phiên, trong bối cảnh thị trường tiếp tục lo ngại sức khỏe ngành ngân hàng và thị trường tài chính Mỹ.

Sau một tuần biến động mạnh, thị trường tiếp tục chịu sức ép bởi lo ngại về khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế do tác động tiêu cực của chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gây ra. Giá cổ phiếu của ngân hàng Credit Suisse ở Châu Âu tiếp tục giảm sâu bất hành động giải cứu từ Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ, UBS. Cổ phiếu của First Public Bank cũng tiếp tục suy yếu sau khi bốc hơi gần 71% trong tuần trước. Do đó, những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng toàn cầu có thể tiếp tục làm suy yếu triển vọng tiêu thụ đồng tại các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Châu Âu và gây sức ép lên giá.

Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ đang trên đà phục hồi tại Trung Quốc có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ hoàn thiện nhà ở của Trung Quốc theo khu vực đã phục hồi tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2 tháng đầu năm. Tồn kho đồng trên Sở Giao dịch Thượng Hải giảm tuần thứ 3 liên tiêp xuống còn 182,341 tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 20/01.

Đồng thời, động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy triển vọng tiêu thụ đồng. Hôm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cơ bản cho khoản vay một năm ở mức 3.65% và giữ nguyên lãi suất 5 năm. Hơn nữa, vào thứ Sáu tuần trước, PBOC đã thông báo sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) thêm 0.25%, việc cắt giảm RRR sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/03 sắp tới. Những động thái này làm gia tăng niềm tin nhu cầu có triển vọng phục hồi và sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong thời gian tới.

 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv