Phiên giao dịch hôm qua chứng kiến sắc đỏ bao trùm tất cả các nhóm hàng hóa đang được giao dịch liên thông với quốc tế qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Hiệu ứng domino tiêu cực lan truyền tới thị trường kỳ hạn từ thị trường chứng khoán Mỹ.

Việc cổ phiếu của các định chế tài chính lớn như Deutsche Bank, JPMorgan, Goldman Sachs, Citigroup và Bank of New York Mellon đồng loạt giảm điểm trước lực bán tháo mạnh, sau khi BuzzFeed và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phanh phui ra các khoản cho vay trị giá hàng nghìn tỷ USD không tuân thủ chuẩn mực ngân hàng thông thường trong gần hai thập kỷ qua, làm dấy lên lo ngại về mục đích rửa tiền và tài trợ tội phạm khác. 

Diễn biến giá thị trường cao su trong một năm qua. Nguồn: Businessinsider

Thị trường nguyên liệu công nghiệp chứng kiến mức sụt giảm từ 0.5 đến 1.8% ở tất cả các mặt hàng được giao dịch trên sàn ICE US và SGX. Điểm sáng duy nhất là cao su RSS3.

Cụ thể, giá cao su RSS3 giao tháng 1/2021 trên sàn Osaka tăng nhẹ 0.16% lên mức 186 JPY/kg. Thị trường Nhật Bản có vẻ như nằm ngoài tầm ảnh hưởng của sự đổ vỡ trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên hôm qua, cũng một phần do triển vọng tiêu thụ cao su được dự báo lạc quan. 

Theo ông Luckchai Kittipol, Chủ tịch danh dự Hiệp hội cao su Thái Lan, giá cao su vẫn sẽ tăng trong thời gian tới, nhờ vào nhiều đơn đặt hàng từ các hãng sản xuất lốp ô tô, trong khi nhu cầu găng tay y tế vẫn tiếp tục tăng.

Các thị trường chính nhập khẩu cao su Thái Lan như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, ASEAN và Australia hiện chiếm tới 51% lượng xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết, nhu cầu tiêu thụ găng tay cao su toàn cầu đã giúp Thái Lan tăng xuất khẩu mặt hàng này thêm 38.5% trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị kim ngạch đạt 959 triệu USD.

Nguồn: mxvnews.com