Trong bối cảnh giá ngô tại thị trường nội địa tại Brazil đang ở mức cao kỷ lục, các cơ sở sản xuất TĂCN lớn tại miền nam Brazil đang tìm kiếm các sản phẩm thay thế khác. Trong số các công ty lớn nhất, JBS và BRF đã phải nhập khẩu ngô từ Argentina và Paraguay để duy trì hoạt động của họ. Cả hai công ty cũng đang trong quá trình thu mua lúa mỳ và lúa mạch để thay thế cho ngô.

Hai công ty cũng đã khuyến nghị nông dân tại khu vực miền nam Brazil tăng diện tích lúa mỳ trong năm 2021 như một biện pháp bảo hiểm chống lại đà tăng mạnh của giá ngô. Dữ liệu từ Hiệp hội Nông nghiệp và Chăn nuôi Rio Grande do Sul (Farsul) cho thấy, nông dân tại miền nam có thể sẽ tăng diện tích gieo trồng các loại ngũ cốc nhỏ từ 1.0 triệu ha lên 1.4 triệu ha trong năm nay. Tại hai bang sản xuất chính là Parana và Rio Grande do Sul, mùa vụ lúa mỳ dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 5, tháng 6, và kết thúc trong tháng 10 và tháng 11.

Tuy nhiên, việc sử dụng lúa mỳ để thay thế cho ngô cũng tồn tại nhiều hạn chế do sản lượng lúa mỳ của Brazil là không đủ cho nhu cầu nội địa. Nhìn chung, Brazil chỉ sản xuất khoảng một nửa nhu cầu lúa mỳ trong nước và phần lớn sự thiếu hụt này được bù đắp bởi lúa mỳ từ Argentina. Hiện tại, giá lúa mỳ nội địa tại Brazil đã ở mức cao và nếu như lúa mỳ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, giá còn có thể còn tăng cao hơn nữa và sẽ khiến tình trạng lạm phát lương thực tại Brazil càng trở nên tồi tệ hơn.

Tuần trước, chính phủ Brazil vừa áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu ngũ cốc đối với các nước nằm ngoài khối thương mại Mercosul trong bối cảnh các nhà máy sản xuất TĂCN trong nước cần nhập khẩu nhiều ngô hơn nữa để duy trì hoạt động.

Giá ngô hiện tại vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi lo ngại về chất lượng của ngô vụ 2 do tình trạng khô hạn kéo dài tại miền nam Brazil, nơi chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng ngô vụ 2 của nước này. Tại Brazil, ngô vụ 2 chiếm khoảng 3/4 tổng sản lượng ngô và chủ yếu được dành cho hoạt động xuất khẩu.

Nguồn: mxvnews.com