Giá đồng đang tiếp tục theo sát diễn biến của chỉ số Dollar Index, phản ánh tác động của các yếu tố vĩ mô đang có xu hướng lấn át yếu tố cung – cầu trên thị trường. Bất chấp những lo ngại về nguồn cung siết chặt khi Sở Giao dịch Kim loại London (LME) thảo luận về khả năng cấm một số mặt hàng kim loại, trong đó có đồng vào kho dự trữ, giá vẫn gặp sức ép bởi triển vọng kinh tế vĩ mô tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn tới.

Tại Trung Quốc, chi tiêu trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh sụt giảm bởi các hạn chế do dịch Covid-19 và niềm tin tiêu dùng suy yếu. Theo Bloomberg, số chuyến đi được đặt bằng đường sắt từ ngày 28/09 đến ngày 8/10 thấp hơn khoản 38% so với con số 110 triệu lượt vào cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 đang ở mức cao nhất trong vòng 1 tháng và một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh khó có thể nới lỏng chính sách Không Covid cho đến sau tháng 3 năm sau. Điều này nhiều khả năng sẽ được bàn luận tại Đại hội Đảng lần thứ 20, sự kiến đang mong chờ nhất của Trung Quốc diễn ra vào ngày 16/10 tới đây. Trong trường hợp chính sách này được nới lỏng, triển vọng tiêu thụ đồng có thể sẽ kéo giá tăng trở lại.

Tâm điểm của thị trường trong ngày hôm nay sẽ hướng về dữ liệu bảng lương phi nông của Mỹ trong tháng 9. Sau 3 đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, dữ liệu lần này sẽ rất quan trọng trong việc đánh giá tác động của thắt chặt tiền tệ đến thị trường lao động, và khả năng nền kinh tế Mỹ liệu có rơi vào suy thoái hay không. Các dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ trong tháng 9 vẫn cho thấy bức tranh không quá tiêu cực khi ở mức trung bình khoảng 220,000 người/tuần, thấp hơn con số trung bình 340,000 người/tuần cùng thời điểm năm ngoái. Do đó, nhiều khả năng dữ liệu bảng lương phi nông lần này vẫn sẽ khá tích cực. Điều đó sẽ giúp Fed có thêm không gian trong việc tăng lãi suất, kéo đồng Dollar Mỹ tiếp tục mạnh lên và sẽ là yếu tố gây áp lực lên giá đồng trong phiên.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv