Đóng cửa hôm qua ngày 29/8, mặc dù lực mua chiếm ưu thế trên cả 3 nhóm mặt hàng năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp, nhưng mức giảm mạnh trên thị trường nông sản đã kéo chỉ số hàng hoá MXV-Index quay đầu suy yếu 0,03% xuống 2.281 điểm, kết thúc chuỗi tăng 4 ngày liên tiếp. Trong khi đó, giá trị giao dịch toàn Sở cũng ghi nhận đà suy yếu, đạt trên 4.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trên Sở Chicago, 6 trên 7 mặt hàng nông sản đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Giá lúa mì dẫn dắt xu hướng thị trường với mức giảm gần 2,7% xuống 220 USD/tấn. Giá ngô ghi nhận mức giảm 1,91% xuống 191,62 USD/tấn.

MXV cho biết, nguồn cung nông sản toàn cầu nhìn chung vẫn tương đối ổn định, khác với dự báo sụt giảm trước đó của thị trường, đã kéo giá các mặt hàng giảm mạnh trong ngày hôm qua.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA cho thấy, trong tuần vừa qua, 56% diện tích ngô của Mỹ đạt chất lượng tốt. Đối với lúa mì, con số này đạt khoảng 37% diện tích. Như vậy, diện tích trồng ngô và lúa mì đạt chất lượng tốt của Mỹ cao hơn và bằng dự đoán của thị trường.

Ở một diễn biến hoàn toàn trái ngược, thị trường kim loại đón nhận lực mua tích cực với 7 trên 10 mặt hàng ghi nhận tăng giá. Giá bạc tăng mạnh 2,2% lên 24,78 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,43% chốt phiên tại mức 986 USD/ounce. 

Dòng tiền đầu tư đã chảy mạnh vào thị trường kim loại quý do sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đã đánh mất mốc 104 điểm sau khi dữ liệu chỉ ra nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.  

Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động Mỹ, cơ hội việc làm tại Mỹ giảm xuống còn 8,827 triệu trong tháng 7, thấp hơn 638.000 so với dự báo, và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Ngoài ra, tỷ lệ cơ hội việc làm giảm xuống 5,3% trong tháng 7 từ mức 5,5% trong tháng 6. 

Điều này làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, từ đó kéo đồng USD suy yếu. Giá bạc và bạch kim theo đó được hưởng lợi nhờ chi phí đầu tư “hạ nhiệt”.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv