Thị trường hàng hóa nguyên liệu đóng cửa ngày giao dịch hôm qua với lực bán hoàn toàn áp đảo. Đà sụt giảm của các mặt hàng nông sản, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,27% xuống 2.176 điểm. 

Tuy nhiên, nhờ tính chất 2 chiều của thị trường giao dịch T0, nhà đầu tư có thể có lãi ngay cả khi giá giảm, dòng tiền đến thị trường bùng nổ trong ngày hôm qua, thể hiện qua mức tăng vọt hơn 88% của giá trị giao dịch toàn Sở, đạt gần 9.600 tỷ đồng, là mức cao nhất được ghi nhận trong năm nay.

Đáng chú ý, nhóm nông sản tiếp tục dẫn dắt xu hướng toàn thị trường với 6/7 mặt hàng nối dài suy yếu. Giá lúa mì giảm hơn 5,3%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, giá ngô tiếp tục đà lao dốc và đóng cửa trong sắc đỏ 4 phiên liên tiếp, chốt ngày hôm qua với mức giảm hơn 4,6%. 

MXV cho biết, mùa vụ đang diễn ra thuận lợi tại các nước sản xuất chính như Mỹ và Brazil là tín hiệu tích cực cho việc nguồn cung toàn cầu gia tăng, từ đó gây sức ép lên giá nông sản.

Trong một diễn biến khác, thị trường dầu thô cũng thu hút quan tâm của nhà đầu tư. Đóng cửa, cả 2 mặt hàng dầu được giao dịch nhiều nhất thế giới đồng loạt giảm hơn 2,4%. Dầu WTI xuống mức 67,7 USD/thùng, thấp nhất trong 2 tuần trở lại đây. Dầu Brent chốt ở 72,5 USD/thùng.

Theo MXV, áp lực suy thoái kinh tế, cùng với sức ép cạnh tranh từ dầu của Nga là nguyên nhân chính kéo giá dầu sụt giảm.

Cụ thể, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga tiếp tục tăng trong tuần qua, cho thấy sự gia tăng tỷ lệ chế biến dầu thô phục vụ cho khách hàng quốc tế. Cập nhật mới nhất cho thấy, hàng hóa nhiên liệu tinh chế đã tăng hơn 200 nghìn thùng mỗi ngày, theo dữ liệu từ Công ty phân tích Vortexa. Trong đó, xuất khẩu dầu diesel tăng khoảng 36% trong tháng 6 so với tháng trước. Điều này cho thấy nguồn cung dồi dào từ phía Nga bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng, và gây áp lực cho giá dầu. 

Bên cạnh đó, giá dầu của Nga cũng đang ở mức thấp hơn giá trần 60 USD/thùng mà các nước EU đã áp đặt lên dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Dầu thô Urals hiện cũng rẻ hơn dầu Brent khoảng 20 USD/thùng, ở vùng giá 52 USD/thùng. Mức giá này tiếp tục khiến dòng chảy dầu Nga ổn định trên thị trường, hạn chế các lo ngại về nguồn cung.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv