Thị trường hàng hóa thế giới tương đối yên bình trong tuần vừa qua, khi các Sở Giao dịch tại Mỹ cho nghỉ giao dịch phần lớn các mặt hàng trong dịp nghỉ lễ Tạ ơn. Chỉ số MXV-Index chốt tuần tăng không đáng kể, đạt 2.187 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt trung bình trên 3.000 tỷ đồng mỗi ngày.
Đáng chú ý, mặc dù diễn biến giá phân hoá, tuy nhiên, kim loại vẫn là nhóm ghi nhận lực mua mạnh nhất trong tuần vừa qua. Trong đó, giá quặng sắt dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường. Đóng cửa cao hơn 4,16% so với tham chiếu, lên mức 133,86 USD/tấn; đồng thời đánh dấu tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp. Đối với kim loại quý, giá bạch kim kỳ hạn tháng 1 năm sau trên Sở NYMEX bật tăng 3,9% lên 936,9 USD/ounce. Hợp đồng bạc kỳ hạn tháng 12 niêm yết trên Sở COMEX cũng tăng 2,05%, chốt ở 24,34 USD/ounce, mức cao nhất kể từ đầu tháng 9/2023. Như vậy, cả giá bạc và bạch kim đều đã có tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.
MXV cho biết, dòng tiền liên tục chảy vào thị trường kim loại trong tuần trước nhờ hỗ trợ từ việc đồng USD giảm giá. Chỉ số Dollar Index giảm 0,49% về 103,4 điểm, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp. Động lực tăng của đồng USD không còn nhiều khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày càng có ít không gian để tăng lãi suất. Phần lớn nhà đầu tư đều cho rằng FED đã hoàn thành việc tăng lãi suất và đợt cắt giảm lãi suất sớm nhất dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024.
Điều này củng cố tâm lý thị trường, thúc đẩy lực mua đối với kim loại, đặc biệt là kim loại quý và các nguyên liệu sản xuất công nghiệp như quặng sắt, đồng. Bên cạnh đó, lo ngại nguồn cung hạn chế cũng là yếu tố góp phần hỗ trợ giá bạch kim và đồng trong tuần vừa qua.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, dù thời gian giao dịch ít, nhưng nhóm nông sản vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong tuần. Cụ thể, lúa mì Kansas giảm 2,55% xuống 224 USD/tấn, 3 mặt hàng trong nhóm đậu tương cũng đồng loạt sụt giảm sau các thông tin tích cực hơn về nguồn cung, trong khi tốc độ xuất khẩu của Mỹ lại có dấu hiệu suy yếu.
Các báo cáo mới nhất cho thấy thời tiết tốt lên đang giúp cải thiện chất lượng các mùa vụ ngô và đậu tương đang diễn ra ở Argentina, nước xuất khẩu nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhất sang Việt Nam trong những năm gần đây.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào cuối tuần trước, giá ngô và đậu tương Nam Mỹ về Việt Nam duy trì ổn định. Cụ thể, tại cảng Cái Lân, đối với kỳ hạn giao hàng quý I năm sau, giá ngô được chào bán trong khoảng 6.650 – 6.750 đồng/kg; giá khô đậu tương quanh mức 14.150 – 14.200 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 50 -100 đồng/kg so với cảng Cái Lân.
MXV nhận định, tuần này, khối lượng giao dịch toàn thế giới và Việt Nam sẽ trở về mức bình thường sau kỳ nghỉ lễ. Nhóm nông sản sẽ vẫn nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư, do thời tiết tại Nam Mỹ đang là yếu tố có tác động rất lớn đến giá. Sự thất thường và khó đoán của thời tiết sẽ khiến giá nông sản biến động mạnh và mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư theo trường phái ngắn hạn.
Trong khi đó, các nhà đầu tư năng lượng sẽ cần đặc biệt theo sát cuộc họp của nhóm OPEC+ vào ngày 30/11 tới đây. Thị trường đang kỳ vọng sẽ có các động thái thắt chặt nguồn cung từ các nước chủ chốt trong nhóm, cụ thể là Ả rập Saudi, để hỗ trợ giá dầu, khi giá dầu Brent hiện đã gần rơi xuống dưới mốc 80 USD/thùng. Giá dầu tăng hay giảm trong tuần, sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của cuộc họp này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv