Kết thúc ngày giao dịch 26/04, thị trường bất ngờ bật tăng trở lại khi lực mua hoàn toàn áp đảo trên cả 4 nhóm hàng hoá nguyên liệu. Chỉ số MXV- Index tăng 1,5% lên mức 2.983 điểm sau hai phiên giảm sâu liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 4.200 tỷ đồng.

Nhóm năng lượng là điểm sáng trong ngày hôm qua khi mà tất cả các mặt hàng đều đồng loạt tăng mạnh. Dẫn dắt xu hướng tiếp tục là dầu ít lưu huỳnh với mức tăng 5,4% lên trên 1.078 USD/tấn. Dầu WTI kỳ hạn tháng 6 cũng đã tăng hơn 3,2% và nhanh chóng lấy lại mốc 100 USD/thùng, đóng cửa ở mức 101,7 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 7 trên Sở ICE tăng 2,4% lên trên 104 USD/thùng.

Bên cạnh nhóm năng lượng, các mặt hàng dầu thực vật là dầu cọ thô và dầu đậu tương cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong những ngày giao dịch gần đây. Chốt phiên hôm qua, dầu đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên Sở Chicago tăng gần 3% và thiết lập kỷ lục mới ở hơn 1.817 USD/tấn. Còn ở châu Á, dầu cọ Malaysia cùng kỳ hạn trên Sở Bursa cũng tăng gần 2,8% lên 1.470 USD/tấn.

Như vậy, cả hai mặt hàng này đều liên tục tăng mạnh với 5 phiên tăng trên tổng số 6 phiên giao dịch gần nhất. Còn nếu so với đầu năm nay, giá dầu đậu tương đã tăng phi mã đến 51%, giá dầu cọ cũng tăng vọt gần 30%. Nguồn cung dầu thực vật toàn cầu bị thắt chặt là yếu tố chính trực tiếp tác động lên giá ngày hôm qua.

Theo hãng tin Reuters, Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm tới 70% sản lượng toàn cầu cho biết có thể mở rộng quy mô lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ tinh chế nếu tình trạng sụt giảm nguồn cung nội địa không được giải quyết. Thông báo này không chỉ đào sâu thêm lo ngại thiếu hụt nguồn cung khiến cho cả giá dầu cọ và dầu đậu bật tăng mạnh mẽ; mà còn dập tắt nỗ lực tăng cường thu mua của các quốc gia nhập khẩu như Ấn Độ hay Pakistan.

Trước đó, xuất khẩu dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 04/2022 của nhà sản xuất thứ 2 thế giới là Malaysia được ước tính giảm tới hơn 10% so với cùng kỳ tháng 03, chỉ đạt mức 901 nghìn tấn. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ cũng giảm 12% về mức hơn 914 nghìn tấn. Như vậy, sản lượng dầu cọ của Maylaysia vốn đã không thể lấp đầy khoảng trống do Indonesia tạo ra, nay càng khó bù đắp phần nào khi mà số liệu xuất khẩu cũng cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), gánh nặng lên người tiêu dùng sẽ còn nặng nề trong thời gian tới khi mà xuất khẩu của tất cả các loại dầu quan trọng khác cũng đều đang chịu nhiều áp lực. Có thể kể đến như dầu đậu nành do hạn hán ở Nam Mỹ, dầu hạt cải do mùa màng không thuận lợi ở Canada hay dầu hướng dương do ảnh hưởng từ xung đột Nga- Ukraina. Giá dầu thực vật sẽ còn tăng cao nếu vấn đề nguồn cung không sớm được cải thiện.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv