Thị trường hàng hoá vừa trải qua tuần giao dịch đầy biến động ở các nhóm mặt hàng chủ chốt, do ảnh hưởng của các thông tin liên quan tới cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu. Đóng cửa tuần, chỉ số MXV- Index hồi phục với mức tăng nhẹ 0,46% lên 2.230 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 4.700 tỷ đồng mỗi ngày.
Đáng chú ý, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 5 trên Sở London chốt tuần bật tăng mạnh hơn 6% lên 2.189 USD/tấn, sau khi tăng đến 4 trên tổng số 5 phiên giao dịch trong tuần. Mặt hàng này nhận hỗ trợ trong bối cảnh tồn kho trên Sở ICE bất ngờ quay đầu giảm sau giai đoạn tăng liên tiếp trước đó. Thêm vào đó, mặc dù nguồn cung có dấu hiệu dần được nới lỏng tại Indonesia và Brazil, tuy nhiên, nông dân các nước này vẫn đang tương đối thận trọng trong việc bán hàng ra thị trường do tâm lý lo ngại từ sản lượng thấp trong niên vụ trước đó. Điều này càng góp phần củng cố đà tăng của cà phê Robusta.
Cùng chiều xu hướng giá thế giới, ghi nhận trong sáng nay trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng thêm 200 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê trong nước được thu mua ở khoảng 48.200 – 48.600 đồng/kg, tăng mạnh đến 2.000 đồng/kg so với đầu tuần trước. Đây là tín hiệu tích cực đối với bà con trồng cà phê nước ta.
Ở một diễn biến khác, thị trường kim loại cũng thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong tuần vừa qua khi mà cả kim loại quý và kim loại cơ bản đồng loạt đón nhận lực mua tích cực. Trên Sở LME, giá thiếc tăng vọt đến hơn 10%. Trong khi đó, trên Sở COMEX, hợp đồng bạc kỳ hạn tháng 5 cũng đã tăng mạnh 3,9%; giá đồng cùng kỳ hạn tăng gần 4,7%, lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Đây cũng là tuần giá tăng mạnh nhất của mặt hàng này kể từ giữa tháng 01 đầu năm nay.
Xét về nguồn cung, hiện tồn kho đồng trên cả ba Sở Giao dịch lớn đều đang giảm mạnh. Cụ thể, tồn kho trên Sở LME hiện là 73,7 nghìn tấn, vùng thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây; tồn kho trên Sở Thượng Hải giảm về 87,6 nghìn tấn. Đáng chú ý, tồn kho trên Sở COMEX gần cạn kiệt ở mức 14,6 nghìn tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2014.
Trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thắt chặt, nhu cầu lại có dấu hiệu được cải thiện tại quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu là Trung Quốc. Hiện nhu cầu đồng tiêu thụ tại nước này gia tăng đáng kể khi đang vào mùa cao điểm xây dựng, cùng với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo thống kê, nhập khẩu quặng đồng và tinh quặng đồng của Trung Quốc trong tháng 2 tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đồng tinh chế trong 2 tháng đầu năm cũng đã tăng hơn 10% lên 1,95 triệu tấn. Hơn nữa, giới chuyên gia cho biết nhu cầu liên quan đến năng lượng xanh sẽ chiếm khoảng 9% tổng nhu cầu đồng của Trung Quốc vào năm 2022 và có thể tăng lên khoảng 30% vào năm 2050. Thông tin này càng mở ra triển vọng tích cực hơn đối với nhu cầu tiêu thụ đồng, từ đó thúc đẩy đà tăng của giá.
Theo MXV, trong tuần này, thị trường một mặt sẽ tiếp tục theo dõi sát các biến động trên thị trường tài chính nhằm đánh giá sức khỏe của các nền kinh tế lớn; mặt khác chờ đợi vào dữ liệu từ phía Trung Quốc, đặc biệt là chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất, phản ánh hoạt động từ các nhà máy. Nhu cầu tại Trung Quốc vẫn đang được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho xu hướng giá hàng hóa trong dài hạn. Trong trường hợp dữ liệu sản xuất tiếp tục biểu thị sự mở rộng, giá hàng hóa, đặc biệt là nhóm nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như dầu thô, hay kim loại sẽ đón nhận lực mua tích cực.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv