Thị trường hàng hoá trải qua tuần giao dịch đỏ lửa khi lực bán hoàn toàn áp đảo ở các mặt hàng nguyên liệu quan trọng. Trong đó, nhóm Kim loại đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới phân tích và đầu tư với những diễn biến rất đáng chú ý. Chỉ số MXV- Index Kim loại đóng cửa giảm sâu 2,11% xuống mức 2.164 điểm, tuy nhiên dòng tiền dịch chuyển đến nhóm này vẫn tăng trong tuần khi có một lượng lớn vị thế bán được mở ra bởi các nhà đầu tư trong nước, giúp giá trị giao dịch trung bình của nhóm đạt gần 700 tỷ đồng mỗi phiên.

Hai mặt hàng kim loại quý giảm trong cả 5 phiên giao dịch trong tuần trước, gây ra nhiều bất ngờ cho giới phân tích. Trên Sở NYMEX, giá bạch kim giảm hơn 6,7% xuống 927,4 USD/ounce. Giá bạc trên Sở COMEX cũng đã giảm tới 5,6% xuống còn 24,26 USD/ounce. Giá bạc hiện đang ở mức thấp nhất 2 tháng, trong khi giá bạch kim đã xuống mức thấp nhất trong vòng nửa năm qua, cho thấy sự suy yếu của nhóm này.

Theo thông tin mới nhất, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đề cập tới việc có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 sắp tới, và sẵn sàng mạnh tay cắt giảm tổng tài sản Fed đang nắm giữ để kiềm chế lạm phát. Điều này ngay lập tức đã làm suy yếu vai trò trú ẩn của hai mặt hàng kim loại quý, vốn thường chỉ mạnh lên khi triển vọng kinh tế toàn cầu ở mức tiêu cực.

Bên cạnh đó, ngay sau phát biểu của FED, chỉ số Dollar Index, chỉ số thể hiện sức mạnh của đồng Dollar Mỹ đã tăng mạnh lên mức 101,2 điểm, là mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Điều này vô hình chung đã gây áp lực lên giá của các mặt hàng được định giá bằng đồng bạc xanh. Trong đó nhóm kim loại quý thường bị tác động ngược bởi đồng Dollar Mỹ, nên dễ hiểu khi giá đã giảm mạnh sau đó.

Còn đối với nhóm kim loại cơ bản, hầu hết các mặt hàng cũng đều có tới 4 phiên giảm điểm trên tổng 5 phiên trong tuần. Tuy nhiên, tâm điểm vẫn thuộc về thị trường đồng COMEX khi giá đóng cửa tuần vừa qua giảm hơn 3% về 10.100 USD/tấn. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng 6 tuần và khiến cho giá rớt khỏi khoảng đi ngang suốt từ cuối tháng 3 tới nay.

Tương tự như các mặt hàng kim loại khác, đồng cũng chịu sức ép nhất định từ đà tăng của đồng USD. Trong khi đó, triển vọng về nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn chưa cải thiện. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, tuy nhiên số ca nhiễm và cả số ca tử vong vẫn đang tiếp tục tăng. Mới đây, Bắc Kinh đã phát hiện thêm một số ca nhiễm Covid-19 mới, đang làm dấy lên lo ngại sẽ tiếp tục có các đợt phong tỏa nghiêm ngặt tại quốc gia này.

Cùng với đó, nỗi lo về nguồn cung lại được giải toả bớt, khi mà chính quyền Peru đã điều động quân đội để chấm dứt các cuộc biểu tình tại nhiều mỏ lớn, trong đó có mỏ Cuajone. Đồng thời, mức tồn kho trên Sở LME cũng đã tăng lên gần 140.000 tấn, cao nhất kể từ tháng 10/2021 đến nay. Điều này càng gây sức ép lên giá, nhất là khi các thông tin hỗ trợ giá đồng từ đầu năm tới nay đang ngày càng suy yếu.

Tại thị trường trong nước, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nước ta đã nhập khẩu gần 17.500 tấn đồng trong nửa đầu tháng 4, nâng tổng lượng nhập khẩu lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/04 lên mức hơn 112.000 tấn với kim ngạch nhập khẩu 1,14 tỷ Dollar Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức giảm 24% về lượng và giảm 11% về giá trị. Còn đối với thị trường thép xây dựng, do giá quặng sắt thế giới tương đối ổn định trong thời gian qua, nên giá thép trong nước cũng không có nhiều biến động.

Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 hiện đang giao dịch quanh mức 18.940 đồng/kg, trong khi giá thép thanh vằn D10 CB300 có giá khoảng 19.040 đồng/kg. Giá thép tại thị trường miền Nam đang cao hơn khoảng 50 đồng/kg so với miền bắc. MXV dự báo giá thép sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định trong giai đoạn đầu tháng 5 khi nguồn cung và nhu cầu trong nước đều đã được định hình và sẽ không có nhiều biến động.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv