Trên thị trường nông sản, ngoại trừ mức tăng nhẹ của gạo thô, tất cả các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu còn lại được niêm yết trên Sở Chicago đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Đáng chú ý, hợp đồng ngô giảm 3,22% xuống 242,2 USD/tấn. Cùng với đó, 2 mặt hàng lúa mì cũng ghi nhận các mức giảm mạnh đến trên 4%.

Nguồn cung được nới lỏng tại khu vực biển Đen với việc xuất khẩu được thúc đẩy trở lại là yếu tố chính gây sức ép lên giá ngô và lúa mì trong tuần vừa qua.

Cụ thể, vào thứ Năm, Ba Lan cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận về việc khởi động lại vận chuyển ngũ cốc Ukraine thông qua lãnh thổ của mình. Bên cạnh đó, Romania cho biết cũng sẽ niêm phong và giám sát các lô hàng ngũ cốc từ Ukraine quá cảnh qua nước này và tiến hành kiểm soát chất lượng đối với thực phẩm tại các trạm kiểm soát biên giới.

Thêm vào đó, mới đây, Liên minh Ngũ cốc Nga (RGU) cho biết xuất khẩu ngũ cốc của Nga từ đầu niên vụ 22/23 tới ngày 17/04 đạt tới 47,8 triệu tấn, bao gồm 41,6 triệu tấn lúa mì. Trong vòng 17 ngày đầu tháng 04, Nga đã xuất khẩu 2,85 triệu tấn ngũ cốc, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các lô hàng lúa mì chiếm 2,34 triệu tấn, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ nhóm nông sản, ở một diễn biến khác thì thị trường năng lượng cũng ghi nhận lực bán mạnh trong tuần qua. 2 mặt hàng dầu thô Brent và WTI đóng cửa tuần đồng loạt giảm sâu hơn 5% xuống lần lượt các mức 77,87 USD/thùng và 81,66 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ khi một số nước OPEC thông báo bất ngờ về việc cắt giảm sản lượng vào đầu tháng 4.

Nguồn cung toàn cầu đang có dấu hiệu tăng trưởng ở vài khu vực cung cấp chính. Xuất khẩu dầu thô của Nga đã quay trở lại mức trên 3 triệu thùng/ngày vào tuần trước, theo dữ liệu theo dõi tàu từ Bloomberg. Điều này đặt ra một vài nghi ngờ về quy mô của tuyên bố cắt giảm sản lượng 500 nghìn thùng/ngày từ hồi tháng 3.

Còn tại Mỹ, các công ty năng lượng nước này cũng đã bổ sung thêm 5 giàn khoan dầu khí trong tuần vừa qua, sau 4 tuần giảm liên tiếp, theo số liệu của Hãng dầu khí Baker Hughes.

Trong khi đó, xét về tiêu thụ, trên thị trường nhiên liệu châu Á, nhu cầu sử dụng xăng và dầu diesel đang tăng tương đối chậm so với cùng kỳ các năm trước đó trong mùa tiêu dùng cao điểm của khu vực, ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

 

Nguồn: Mxv