Chỉ số hàng hoá MXV- Index chốt phiên giao dịch đầu tuần (22/05) chỉ tăng rất khiêm tốn 0,02% lên 2.153 điểm. Mức tăng này phản ánh diễn biến giá phân hoá mạnh trong ngày hôm qua.

Đóng cửa, giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 5.300 tỷ đồng, cao hơn 17% so với mức trung bình ghi nhận trong tuần trước.

Thị trường nông sản lấy lại đà tăng sau tuần sụt giảm trước đó với 6 trên 7 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, giá đậu tương đã tăng mạnh hơn 2,5%, chấm dứt chuỗi 4 phiên liên tiếp suy yếu nhờ triển vọng nhu cầu tích cực đối hơn với đậu tương Mỹ của Trung Quốc.

Cụ thể, thống kê cho thấy, nhập khẩu đậu tương có nguồn gốc từ Mỹ của Trung Quốc trong tháng 04 tiếp tục tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 1,82 triệu tấn. Lũy kế xuất khẩu đậu tương từ Mỹ đến Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay cũng đã đạt 18,24 triệu tấn, cao hơn so với mức 15 triệu tấn trong năm 2022.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trên thị trường kim loại cơ bản, giá hai mặt hàng kim loại chủ chốt là đồng và quặng sắt đều chịu sức ép do triển vọng tiêu thụ yếu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới. 

Chốt phiên, giá đồng COMEX giảm 1,26% xuống 8.127 USD/tấn và giá sắt giảm 3,07% xuống 102,14 USD/tấn. 

Ngày hôm qua, các ngân hàng Trung Quốc đã thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong tháng thứ 9 liên tiếp. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, động thái giữ nguyên lãi suất của các ngân hàng Trung Quốc cho thấy các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ vẫn còn hạn chế. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng chậm trong ngắn hạn và sức tiêu thụ các mặt hàng chưa có sự bứt phá. 

Trên thị trường nội địa, ngày 19/05, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ giá bán 60.000 – 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300, xuống khoảng 14,95 – 15,5 triệu đồng/tấn. 

Như vậy, giá thép xây dựng trong nước cũng đã ghi nhận 6 lần điều chỉnh giảm liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv