Thị trường hàng hoá đóng cửa tuần vừa qua với lực bán hoàn toàn áp đảo. 27 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt giảm giá đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,28% xuống mức 2.631 điểm. Thị trường chứng kiến nhiều mặt hàng quan trọng đồng loạt lao dốc xuống các vùng giá thấp trong vòng nhiều tháng. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn cho thấy sự ổn định khi dòng tiền đến thị trường vẫn được duy trì quanh mức trung bình 4.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần qua phải kể đến đà lao dốc rất mạnh trên nhóm kim loại với tất cả 10 trên 10 mặt hàng đóng cửa giảm giá. Quặng sắt dẫn dắt xu hướng giá không chỉ của nhóm kim loại mà còn của toàn thị trường với mức giảm đến 8,64%, xuống còn hơn 100 USD/tấn, là mức thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Theo sau đó là 2 mặt hàng kim loại quý bạc và bạch kim, đều suy yếu tất cả các ngày trong tuần và đóng cửa sụt giảm mạnh hơn 7% trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED vẫn bày tỏ thái độ quyết liệt trong tiến trình tăng lãi suất để kiềm chế giá cả vẫn đang ở mức cao.

Trong tháng 7 vừa qua, dữ liệu lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điển hình là Anh với mức lạm phát chạm mốc 2 con số, cao nhất nhất trong 4 thập kỷ, và mới đây, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Liên minh châu Âu tiếp tục tăng từ mức 8,6% vào tháng 6 lên 8,9% trong tháng 7. Điều này làm sâu sắc hơn lo ngại các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục siết chặt lãi suất, từ đó gia tăng áp lực đối với nhóm kim loại quý. Bên cạnh đó, đồng Dollar Mỹ mạnh lên cũng là nguyên nhân gây áp lực lên giá kim loại. Đóng cửa tuần trước, chỉ số Dollar Index đã tăng tới 2,4% và lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Còn đối với quặng sắt, nắng nóng kỷ lục tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ hàng đầu thế giới đã gây ra tình trạng thiếu điện đã khiến nhiều nhà máy thép phải đóng cửa vì chính sách phân bổ điện năng. Theo MXV, gần 20 nhà máy thép ở các khu vực phía Tây Nam của Trung Quốc đã buộc phải tạm ngừng hoạt động kể từ giữa tuần, kéo theo nhu cầu quặng sắt cho quá trình luyện thép sụt giảm và gây áp lực lên giá. So với đầu năm nay, giá quặng sắt đã giảm tới 18%, còn so với vùng đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 4, mặt hàng này thậm chí giảm đến 38%.

Điều này ngay lập tức tác động rất mạnh đến thị trường sắt thép nội địa khi mà giá thép trong nước luôn theo rất sát giá các Sở thế giới. Thể hiện rất rõ qua 14 lần điều chỉnh giảm của giá thép nội địa tính từ đầu tháng 5 đến nay. Hiện giá thép cuộn CB240 và thép cây D10 CB300 đều giảm 310.000 đồng/tấn, đang lần lượt dao động ở khoảng 14,57 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.

Nguyên nhân đến từ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, cùng với đó nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu. Theo MXV, giá thép trong nước vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh giảm nếu giá kim loại thế giới chưa thể chấm dứt xu hướng suy yếu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv