Thị trường hàng hoá cho thấy tín hiệu khởi sắc khi đóng cửa hôm qua, chỉ số MXV- Index tăng 0,4% lên 2.397 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến thị trường tăng vọt đến 35%, đạt mức gần 5.500 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch tính riêng nhóm Công nghiệp đã tăng gấp đôi so với ngày trước đó lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây, đồng thời chiếm đến hơn 33% tổng dòng tiền của toàn thị trường. Cùng với các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp, nhóm kim loại cũng thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư và đón nhận lực mua mạnh mẽ trong ngày hôm qua.

Cụ thể, toàn bộ 10 mặt hàng kim loại đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Giá bạc kỳ hạn tháng 03 năm sau trên Sở COMEX dẫn dắt xu hướng với mức tăng 4,62% lên 24,27 USD/ounce. Cùng với đó, Niken LME là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của kim loại cơ bản. Chốt ngày ở 28.334 USD/tấn, tăng 4,11%.

Đồng USD bất ngờ giảm tới 0,72% do sức ép từ đồng Yên Nhật tăng cao đã trực tiếp thúc đẩy lực mua đối với kim loại quý, đặc biệt là bạc, khi mà chi phí nắm giữ và giao dịch bớt đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, nhu cầu trú ẩn an toàn cũng được thúc đẩy khi thị trường lo ngại áp lực suy thoái kinh tế trên toàn cầu.

Trong khi đó, giá niken bật tăng mạnh khi nhà sản xuất hàng đầu Nornickel của Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 10% trong năm tới khi nhiều khách hàng châu Âu hạn chế mua hàng từ Nga. Thêm vào đó, công ty đường sắt nhà nước của Phần Lan sẽ ngừng vận chuyển hàng hóa từ Nga vào cuối tháng 12, buộc các nhà khai thác và sản xuất niken phải tìm những cách khác để cung cấp cho các đơn vị tại Phần Lan. Điều này đã thúc đẩy giá tăng mạnh trong phiên.

Ở diễn biến khác, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Giá bông cũng tăng rất mạnh gần 4,5% lên hơn 1.935,5 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây. Cùng với đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 03 trên Sở NewYork tăng hơn 2,1% chốt ở 3.699 USD/tấn, trong khi cà phê Robusta trên Sở London chỉ tăng nhẹ 0,57%.

Mới đây, nhóm chuyên gia nghiên cứu hàng hóa của ngân hàng Citi đã dự báo cán cân cung – cầu cà phê Arabica toàn cầu năm 2023 sẽ thâm hụt 0,9 triệu bao loại 60kg. Nguyên nhân là do nguồn cung suy yếu tại Brazil và nhu cầu tiêu thụ có thể khởi sắc hơn khi Trung Quốc đang nới lỏng dần các biện pháp phòng chống lây lan Covid – 19. Điều này đã khiến Citibank chuyển từ dự đoán giá có xu hướng giảm trong năm 2023 sang xu hướng tăng. Thông tin này lập tức hỗ trợ giá Arabica tăng mạnh trong ngày hôm qua.

Còn đối với Robusta, tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US đang ở mức thấp nhất trong hơn 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, thời tiết được dự báo sẽ khô ráo hơn trong tuần này tại Tây Nguyên, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân đẩy mạnh thu hoạch và có thể đưa nguồn cung ra thị trường trước dịp tết Nguyên Đán. Đây là tin tức kiềm chế đà tăng của Robusta.

Ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 40.100 – 40.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với ngày hôm qua. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 11 vừa qua, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 128,4 nghìn tấn cà phê, tăng tới 60,8% so với tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 304,4 triệu USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn cà phê, tương đương 3,6 tỷ USD; tăng 13,4% về lượng và 34,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv