Nếu như ở thời điểm đầu tháng 3, cụm từ “siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa” liên tục được nhắc đến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, sau chuỗi tăng kỷ lục của rất nhiều các loại hàng hóa nguyên liệu quan trọng. Thì 2 tuần vừa qua lại chứng kiến giai đoạn điều chỉnh mạnh của nhiều mặt hàng, khiến cả 4 nhóm Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại và Năng lượng đều chìm trong sắc đỏ. Chỉ số MXV-Index giảm sâu 3,5% xuống còn 2.891 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 tới nay. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình 4.100 tỷ đồng mỗi phiên, trong đó nhóm Nông sản chiếm hơn 30% dòng tiền của toàn thị trường, với những diễn biến rất đáng chú ý.

Tất cả các mặt hàng chủ chốt trong nhóm đều giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là dầu đậu tương, với mức giảm gần 5% xuống còn 1.593 USD/tấn do chịu ảnh hưởng từ đà lao dốc của giá dầu thô và giá dầu cọ. Trong khi đó giá ngô giảm gần 3% còn 292 USD/tấn, và giá lúa mì Chicago giảm 3,9% xuống còn 390,8 USD/tấn.

Hiện nay, những lo lắng về việc nguồn cung nông sản từ Nga và Ukraine đã phản ánh hầu hết vào giá. Thị trường bắt đầu chuyển trọng tâm sang các thông tin mới liên quan tới cung – cầu thực tế của các mặt hàng này, bởi đối với nhóm nông sản, sản lượng và nhu cầu vẫn là các yếu tố tác động lớn nhất tới giá.

Tại Argentina, nước xuất khẩu khô đậu tương lớn nhất và xuất khẩu ngô lớn thứ 3 trên thế giới, thời tiết thuận lợi hơn trong thời gian vừa qua đã giúp tăng chất lượng các mùa vụ nông sản đang ở giai đoạn gần thu hoạch. Ước tính 29% diện tích trồng ngô và 34% diện tích trồng đậu tương đang có chất lượng tốt. Argentina dự kiến sẽ có mùa vụ ngô lớn nhất từ trước tới nay, với sản lượng đạt 53 triệu tấn, có thể bù đắp phần nào nguồn cung bị ảnh hưởng tại Nga và Ukraine.

Còn tại nước láng giềng, Brazil, quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn nhất và ngô lớn thứ 2 toàn cầu, mùa vụ đang không tốt như những kỳ vọng ban đầu. Mới đây, hãng tư vấn AgroConsult đã hạ dự báo sản lượng đậu tương của nước này từ 125,8 xuống còn 124,6 triệu tấn, giảm 10% so với sản lượng kỷ lục năm ngoái. Điều này có thể ảnh hưởng tới nguồn cung đậu tương trong dài hạn, nhất là khi nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia đang tăng cao, trong bối cảnh thế giới còn rất nhiều biến số khó lường về địa chính trị trong năm 2022 này.

Văn phòng Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Trung Quốc dự báo nước này sẽ nhập khẩu kỷ lục 100 triệu tấn đậu tương Mỹ trong năm tới, do đàn lợn tăng mạnh, kéo theo nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng cao. Theo các chuyên gia, đây có thể sẽ là thông tin hỗ trợ giá đậu tương, tuy chưa thể khiến giá tăng mạnh nhưng cũng sẽ giúp giá neo ở các vùng cao trong thời gian tới.

 

Nguồn: Mxv