Trong khi lực mua và bán cân bằng trên thị trường Nông sản và Nguyên liệu Công nghiệp thì sắc xanh hoàn áp đảo trên bảng giá Năng lượng và Kim loại. Mức tăng rất mạnh từ hai nhóm kể trên, đặc biệt là từ một số mặt hàng kim loại quan trọng, đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tăng hơn 1% để lấy lại mốc 3.000 điểm. Đóng cửa ngày hôm qua 19/05, chỉ số hàng hoá này tăng lên mức 3.008 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở có sự giảm nhẹ về hơn 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường kim loại chứng kiến lượng tiền rất lớn từ nhà đầu tư, tăng đến gần 70%, giá trị giao dịch riêng nhóm này đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

 

Tất cả các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng mạnh trong ngày hôm qua. Giá bạch kim kỳ hạn tháng 7 trên Sở NYMEX tăng tới 3,17% lên mức 953,7 USD/ounce. Cùng với đó, giá bạc cùng kỳ hạn trên Sở COMEX cũng đóng cửa cũng tăng gần 1,7% lên 21,91 USD/ounce. Như vậy, trong 5 phiên giao dịch gần nhất, giá bạc đã có 4 phiên tăng, tuy nhiên vẫn ở vùng thấp nhất trong vòng 2 năm qua. 

Nhóm kim loại quý chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ chủ yếu là do sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ và mức giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm trong phiên hôm qua. Điều này đã làm giảm áp lực đối với chi phí nắm giữ vật chất, hỗ trợ cho đà tăng của bạc và bạch kim.

 

Ngoài ra, bất chấp những tín hiệu suy thoái từ Mỹ khi số đơn trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua đạt mức 218 nghìn, mức cao nhất trong vòng 4 tháng, sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Trung Quốc đã giúp bạc và bạch kim khôi phục sắc xanh. Hai mặt hàng này vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là ô tô và điện tử, hai thế mạnh lớn trong nền kinh tế tại quốc gia này.

 

Trên thị trường kim loại cơ bản, Niken LME là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất nhóm, với mức gần 8%, chốt phiên ở 28.231 USD/tấn. Giá đồng trên Sở COMEX cũng đã ghi nhận mức tăng mạnh mẽ 2.5% lên hơn 9.442 USD/tấn, mức giá cao nhất trong vòng 1 tuần, trong khi giá quặng sắt tăng khiêm tốn hơn 1% và đóng cửa ở mức 126.51 USD/tấn. 

 

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, việc giá đồng có  phiên tăng theo phần trăm mạnh nhất kể từ đầu tháng 3 tới nay, là dấu hiệu cho thấy thị trường có thể đã trải qua giai đoạn tiêu cực. Cả đồng và quặng sắt đều đang được hỗ trợ chủ yếu nhờ vào những tín hiệu tích cực trong việc khôi phục các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc cũng như các quốc gia tiêu thụ lớn. 

 

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, kế hoạch của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng sẽ chứng kiến một con số khổng lồ khoảng 5.3 nghìn tỷ USD sẽ được bơm vào nền kinh tế trong năm nay, tương đương với khoảng 1/3 nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. 

Thông tin trên cho thấy quyết tâm của Chính phủ nước này trong việc nhanh chóng đẩy mạnh tốc độ phục hồi đầu tư và sản xuất; đặc biệt là trước bối cảnh đã đẩy lùi được dịch bệnh với nhiều ngày ghi nhận không có thêm ca mắc cộng đồng mới ở Thượng Hải, và trung tâm kinh tế tài chính này sẽ sớm dỡ bỏ phong toả để quay trở về trạng thái bình thường kể từ 1/6 tới đây.

 

Nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu tăng mạnh trong khi nguồn cung vẫn thắt chặt đã hỗ trợ cho giá kim loại cơ bản. Ngày hôm qua, Chính phủ Peru lần thứ 4 thất bại sau những nỗ lực đàm phán với các cộng đồng bản địa để cho phép khởi động lại hoạt động tại mỏ đồng Las Bambas, chiếm 2% nguồn cung toàn cầu. Kết hợp với tinh tức tích cực từ Trung Quốc, đà hỗ trợ cho giá đồng càng mạnh mẽ hơn dẫn đến mức tăng ấn tượng trong phiên hôm qua. 

 

Cùng với đó, nhu cầu sử dụng thép cũng được thúc đẩy mạnh mẽ tại Ấn Độ nhờ vào chính sách đẩy mạnh hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, các cảng và sân bay. Trong năm nay, sản lượng thép của nước khai thác thứ 3 thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 10%. Là nguyên liệu đầu vào quan trọng tronng ngành luyện thép, thông tin trên đã hỗ trợ cho đà tăng của quặng sắt trong ngày hôm qua.

 

Trên thị trường nội địa, giá thép xây dựng trong nước ghi nhận trong sáng nay ổn định quanh ngưỡng 18-19 triệu đồng/tấn sau khi các công ty thép nội địa đồng loạt giảm khoảng 300 - 920 đồng/kg, cắt đứt chuỗi tăng liên tiếp 7 lần kể từ đầu năm. Tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv