Thị trường hàng hoá đóng cửa tuần qua đã lấy lại đà khởi sắc. Lực mua rất mạnh, áp đảo trên cả 3 nhóm Nông sản, Năng lượng và Nguyên liệu công nghiệp đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index đảo chiều tăng gần 1% lên 2.409 điểm, sau tuần giảm rất sâu trước đó. Cùng với đó, dòng tiền đầu tư cũng đã tích cực trở lại thị trường. Kết thúc tuần qua, giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt gần 4.000 tỷ đồng mỗi phiên, tăng đến 25% so với mức trung bình tuần trước.

Toàn bộ các mặt hàng năng lượng ghi nhận các mức tăng theo tuần rất mạnh, bất chấp sự suy yếu trong các phiên cuối tuần do áp lực vĩ mô đè nặng. Giá dầu đã nhận được lực mua mạnh mẽ trong các phiên đầu tuần trước lo ngại về nguồn cung gián đoạn tại Mỹ. Đóng cửa, dầu ít lưu huỳnh vẫn tăng tới 8,71%, khí tự nhiên tăng 5,68%. Cùng với đó, 2 hợp đồng dầu thô quan trọng là WTI kỳ hạn tháng 1 trên Sở NYMEX và Brent kỳ hạn tháng 2 trên Sở ICE tăng lần lượt 4,6% và gần 3,9%. Như vậy, dầu WTI chốt ở mức 74,29 USD/thùng và dầu Brent kết thúc tuần với giá hơn 79 USD/thùng.

Với việc giá dầu WTI rơi xuống khoảng 74 – 75 USD/thùng, mới đây, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) đã công bố kế hoạch mua bổ sung 3 triệu thùng dầu lần đầu tiên kể từ khi giải phóng 180 triệu thùng từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) hồi tháng 3 đầu năm. Theo MXV, mặc dù con số này không quá lớn, xong thông tin trên có thể giúp lực mua quay trở lại thị trường dầu trong phiên đầu tuần.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Baker Hughes cũng cho thấy số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tiếp tục giảm trong tuần kết thúc ngày 16/12 xuống còn 780 giàn đang hoạt động, thấp hơn 4 giàn so với tuần trước đó, phản ánh những khó khăn nhất định trong việc mở rộng nguồn cung.

Ở một diễn biến khác, thị trường kim loại cũng gặp sức ép rất lớn từ các thông tin vĩ mô. Chốt tuần, cả 10 trên 10 mặt hàng đều chìm trong sắc đỏ. Giá bạch kim kỳ hạn tháng 01 năm sau trên Sở NYMEX dẫn đầu đà giảm của kim loại quý, với mức giảm gần 3,5%. Trên Sở LME, các kim loại cơ bản như đồng, nhôm, kẽm cũng đều giảm sâu trong tuần vừa qua.

Dữ liệu kinh tế mới đây nhất của Mỹ tiếp tục cho thấy môi trường lãi suất cao đang dần gây áp lực cho hoạt động kinh doanh sản xuất. Chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất tháng 12 theo số liệu thông cáo tiếp tục nằm dưới ngưỡng 50 tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 46,2 điểm, thấp hơn mức 47,7 của tháng 11 và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. PMI dịch vụ cũng giảm mạnh từ mức 46,2 xuống còn 44,4 trong tháng 12. Như vậy, việc PMI trong các tháng gần đây liên tục phản ánh sự thu hẹp trong hoạt động của các nhà máy, đã khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về kịch bản suy thoái kinh tế.

Không chỉ ở Mỹ, tại thị trường tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới nữa là Trung Quốc, việc nới lỏng các quy tắc kiểm soát dịch bệnh đang khiến cho tình trạng bùng phát dịch lan rộng, trong đó thủ đô Bắc Kinh đang chứng kiến hàng loạt các cửa hàng đóng cửa, nhiều nhà máy thiếu nhân công vì công nhận bị nhiễm bệnh. Điều này càng làm sâu sắc hơn lo ngại về bức tranh tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, gây áp lực tới giá kim loại cơ bản nói chung, đặc biệt là giá đồng.

Tuy nhiên, theo MXV, với lăng kính tích cực từ khả năng tiêu thụ của thị trường châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, giá nguyên liệu đầu vào như dầu thô, kim loại đồng, sắt thép, nhiều khả năng sẽ có sự phục hồi nhất định trong tuần này. Mới đây, chính phủ Trung Quốc, cho biết sẽ tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế vào năm tới, gợi ý về các chính sách thân thiện với doanh nghiệp, hỗ trợ thêm cho thị trường bất động sản. Đây có thể là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho giá dầu thô hay kim loại cơ bản trong giai đoạn tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv