Đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần, sắc xanh hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nguyên liệu, hỗ trợ chỉ số MXV - Index nối dài chuỗi tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp, với mức tăng 1,7% lên 3.118 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng mạnh 50% đạt 5.550 tỷ đồng với lượng lớn dòng tiền đổ vào nhóm Năng lượng và Nông sản.

Toàn bộ các mặt hàng ngũ cốc và dầu lấy hạt trên Sở Chicago đồng loạt tăng mạnh trong phiên hôm qua. Giá ngô dẫn dắt xu hướng của thị trường nông sản khi tăng gần 3%, đóng cửa cao hơn 320 USD/tấn và đạt mức cao nhất kể từ tháng 09/2012 đến nay. Lúa mì Chicago cũng đã có phiên tăng thứ 5 trong 6 phiên giao dịch gần nhất , lên trên 414 USD/tấn. Các mặt hàng đậu tương tuy tăng nhẹ hơn nhưng cũng đều có mức tăng trên 1%. Trong đó đậu tương tăng mạnh nhất gần 2% lên 630 USD/tấn và cũng là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này.

Lo ngại về chất lượng và sản lượng vụ mùa mới là yếu tố nâng đỡ giúp giá ngô bứt phá trong ngày hôm qua. Tại khu vực vành đai ngô của Mỹ, tuyết và thời tiết ẩm ướt đang khiến nông dân gặp khó khăn trong việc gieo trồng vụ xuân. Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đang bị thiếu hụt do căng thẳng tại Ukraine, mỗi héc-ta gieo trồng ngô trong năm nay đều rất có giá trị.

Trong khi đó, tại Brazil, thời tiết cũng cho thấy các dấu hiệu không thuận lợi khi một số khu vực gieo trồng vụ 2 ở bang sản xuất ngô hàng đầu là bang Mato Grosso có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt độ ẩm và mùa khô được dự báo sẽ đến sớm hơn ở các bang phía nam. Các thông tin trên đã tạo hỗ trợ rất tốt cho giá ngô tăng mạnh trở lại mức đỉnh 10 năm trong ngày hôm qua.

Cùng với đó, trước bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa kết thúc, thì nhu cầu tiêu thụ ngô và lúa mì đang có những dấu hiệu tích cực. Mới đây, theo Tổng cục hải Quan Trung Quốc, trong tháng 3 nhập khẩu ngô nước này cao hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu lúa mì thậm chí còn tăng 95% so với tháng 3/2021. Lo ngại chiến tranh có thể kéo dài khiến quốc gia tỷ dân gấp rút đẩy mạnh tích trữ lương thực trong tháng vừa rồi. Điều này đã góp phần hỗ trợ giá cho hai mặt hàng ngũ cốc ngày hôm qua.

Các mặt hàng đậu tương tuy tăng nhẹ hơn nhưng cũng đều có mức tăng trên 1%. Trong đó đậu tương tăng mạnh nhất gần 2% lên 630 USD/tấn và cũng là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tốc độ giao hàng đậu tương có tuần tăng thứ 4 liên tiếp cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này.

Bên cạnh đó, dầu đậu tương cũng tiếp tục tăng mạnh nhờ những số liệu trong báo cáo NOPA được công bố vào phiên cuối tuần trước. Cụ thể, khối lượng ép dầu trong tháng trước của Mỹ đạt 181.76 triệu giạ, mức kỷ lục trong giai đoạn tháng 3 hằng năm. Bên cạnh đó, tồn kho dầu đậu lại giảm hơn 7% so với tháng 2. Điều này cho thấy nhu cầu đối với dầu đậu vẫn đang rất mạnh khi nguồn cung dầu ăn tại biển Đen bị gián đoạn và là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay tại cảng Cái Lân, giá nông sản nhập khẩu không có nhiều biến động so với tuần trước. Giá lúa mì Úc giao ngay ở khoảng 9.800 vnđ/kg; giá ngô Mỹ dao động trong khoảng 9.000 – 9.100 vnđ/kg tuỳ thời hạn giao hàng và giá khô đậu tương đang ở mức 14.600- 14.700 vnđ/kg. So với giai đoạn tăng sốc hồi đầu tháng 3, giá nông sản nhập khẩu đã có điều chỉnh giảm nhẹ, đây là tín hiệu tích cực đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv