Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (15/12), lực bán áp đảo trên thị trường kéo chỉ số hàng hoá MXV- Index quay đầu suy yếu 0,59% xuống mức 2.440 điểm, kết thúc chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến thị trường lại cho thấy sự bứt phá. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.400 tỷ đồng, tăng gần 12% so với ngày trước đó.

Lực bán chủ yếu đến từ thị trường kim loại khi có đến 9 trên tổng số 10 mặt hàng đồng loạt đóng cửa giảm giá. Hợp đồng bạc kỳ hạn tháng 03 trên Sở COMEX dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường với mức giảm 3,44% về 23,31 USD/ounce; giá bạch kim cũng đã giảm 2,45% về 1013,2 USD/ounce. Một loạt mặt hàng kim loại cơ bản cũng ghi nhận các mức sụt giảm mạnh, trên 2%.

Các số liệu kinh tế tiêu cực liên tục gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ dẫn đến đà giảm mạnh của giá kim loại trong ngày hôm qua. Cụ thể, tại Mỹ, doanh số bán lẻ trong tháng 11 của nước này đã giảm 0,6% so với tháng trước, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm ngoái. Cùng với đó, sản lượng công nghiệp và sản lượng sản xuất cũng sụt giảm lần lượt 0,2% và 0,6% trong tháng 11, phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Các tin tức này đã làm gia tăng lo ngại của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đưa nền kinh tế Mỹ tránh được rủi ro suy thoái trong khi lãi suất tăng cao. Chỉ số Dollar Index tăng trở lại lên mức 104,6 điểm, và là sức ép trực tiếp khiến cho giá bạc và bạch kim bớt hấp dẫn so với đồng bạc xanh.

Không chỉ tại Mỹ, ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng lãi suất lên 50 điểm và báo hiệu họ vẫn cần tăng lãi suất “đáng kể” để chiến đấu với lạm phát. Thêm vào đó, từ đầu tháng 3 năm 2023, ECB sẽ bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán trung bình 15 tỷ euro, tương đương 15,9 tỷ USD mỗi tháng cho đến cuối quý 2 năm 2023, nhằm tăng cường nỗ lực kiểm soát lạm phát, hiện vẫn đang cao hơn khoảng gần 5 lần so với mục tiêu.

Cùng với kim loại, các sức ép vĩ mô cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá dầu thô trong ngày hôm qua. Đóng cửa, dầu WTI giảm 1,51% xuống 76,11 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,8% xuống 81,21 USD/thùng. Thêm vào đó, những gián đoạn xung quanh đường ống dẫn dầu Keystone giữa Canada và Mỹ cũng đang được cải thiện khi một phần của hệ thống đã được nối lại. Theo Bloomberg, ngay cả khi sự cố ngừng hoạt động, các kho dự trữ ở Bờ Vịnh đã tăng mạnh vào tuần trước, cho thấy nguồn cung vẫn được đảm bảo tốt cho đến thời điểm hiện tại.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv