Trong tuần vừa qua, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường khiến chỉ số Hàng hoá MXV- Index tuột khỏi mốc 3.000 điểm, kết thúc tuần ở mức 2.975 điểm. Ngoại trừ nhóm Nông sản, sắc đỏ bao trùm bảng giá của cả 3 nhóm nguyên liệu còn lại là Kim loại, Năng lượng và Nguyên liệu công nghiệp. Đặc biệt, thị trường kim loại chứng kiến những mức giảm mạnh đột biến của nhiều mặt hàng quan trọng. Tuy nhiên, nhờ tính chất hai chiều của thị trường, dòng tiền đầu tư vẫn có thể sinh lời ngay cả khi giá tăng hay giảm. Do đó, nhà đầu tư đã mở một lượng lớn các vị thế bán trong tuần, giúp giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 10% , lên mức trung bình 6.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Nhóm kim loại đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế bởi chuỗi giảm rất sâu liên tiếp của tất cả các mặt hàng kể từ cuối tháng 04. Chốt tuần vừa qua, trên Sở LME, giá thiếc sụt giảm đến 15,18%, xuống còn 33.370 USD/tấn; giá niken cũng giảm gần 9,4% xuống mức 27.262 USD/tấn.

Nhóm kim loại quý cũng không nằm ngoài xu hướng trên, giá bạc đánh mất hơn 6% trong một tuần, xuống còn 21,00 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Nhờ lực hỗ trợ kỹ thuật, giá bạch kim có lực giảm nhẹ hơn, 2,65% và kết thúc tuần ở mức 930,7 USD/ounce. Có thể thấy, vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý đã thực sự trở nên mờ nhạt và bị vô hiệu hoá bởi sức hấp dẫn mạnh hơn của đồng bạc xanh trước bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm giảm hơn 20 điểm cơ bản. Chỉ số Dollar Index tiếp tục tuần tăng thứ 6 liên tiếp và luôn giữ ở mức cao nhất trong suốt 2 thâp kỷ khiến nhu cầu nắm giữ tiền mặt lên ngôi trước lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng thêm lãi suất.

Hàng loạt các thông tin tiêu cực về sức khoẻ nền kinh tế toàn cầu đã liên tiếp gây áp lực lên giá các mặt hàng kim loại. Mới đây, ngân hàng Morgan Stanly đã đưa ra cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong cả năm 2022 chỉ bằng một nửa năm 2021 do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga - Ukraine cùng với các đợt bùng phát dịch nghiêm trọng ở Trung Quốc, bất chấp việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Còn xét về nhu cầu tiêu thụ, nhóm kim loại cũng chịu sức ép nặng nề khi tất cả các mặt hàng đều là nguyên liệu đầu vào trong các ngành sản xuất công nghiệp. Việc thắt chặt các biện pháp phong toả ở Trung Quốc khiến các nhà máy phải ngừng hoạt động, gây thiệt hại cho nền kinh tế và giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm.

Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 cũng tiếp tục cao hơn mức dự đoán của thị trường, tăng 8,3% so với 1 năm trước đó. Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) có mức tăng theo tháng bất ngờ đạt mức 0,6%, trong khi mức dự đoán chỉ ở 0,4%. Các số liệu này cho thấy lạm phát đã tăng trở lại trong tháng 4 và tiếp tục đe doạ đà phát triển kinh tế; ảnh hưởng trực tiếp đến giá các mặt hàng kim loại.

Trên thị trường nội địa, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đã có dấu hiệu giảm theo xu hướng chung của thị trường. tuy chưa phải mức giảm mạnh, nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực đối với ngành xây dựng trong nước, góp phần giải toả tâm lý cho các doanh nghiệp trước bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng cao từ đầu năm nay. Theo ghi nhận của Trung tâm Giao nhận Hàng hoá MXV, trong sáng nay giá thép cuộn CB240 được chào bán ở mức giá khoảng 18.630 đồng/kg, giảm 310 đồng/kg, giá thép D10 cũng đã giảm 300 đồng/kg, dao động quanh 18.740 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv