Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa trải qua một tuần giao dịch giằng co với sự phân hóa ở nhiều nhóm mặt hàng quan trọng. Chỉ số MXV-Index đóng cửa tuần giảm 0,4% xuống 2.288 điểm, giá trị giao dịch toàn sở cũng sụt giảm xuống còn 3.200 tỷ đồng mỗi phiên, phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trong nước trước diễn biến thị trường.
Nhóm kim loại dẫn dắt xu hướng chung của thị trường với 9 trên 10 mặt hàng ghi nhận các mức giảm mạnh. Trong khi đó, kim loại là nhóm duy nhất đóng cửa tuần trong sắc xanh khi hầu hết các mặt hàng đồng loạt đón nhận lực mua rất tích cực.
Có 4 trên 5 mặt hàng nhóm năng lượng đóng cửa trong sắc xanh. Đáng chú ý, giá dầu tiếp nối đà tăng giá trong bối cảnh hạn chế nguồn cung từ các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 10 trên Sở NYMEX tăng 2,29% lên 87,51 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn tháng 11 niêm yết trên Sở ICE chốt tuần tại mức giá 90,95 USD/thùng, tăng 2,37% so với tuần trước. Như vậy, trong 11 tuần giao dịch gần nhất, giá dầu đã ghi nhận 9 tuần tăng giá.
Mới đây, Nga có kế hoạch giảm xuất khẩu 1/4 lượng dầu diesel từ các cảng quan trọng ở phía Tây trong tháng này và giữ nhiều nguồn cung hơn ở trong nước, do bảo trì nhà máy lọc dầu theo mùa. Tin tức này đã khiến giá dầu diesel kỳ hạn tăng vọt, vượt xa mức tăng của giá dầu thô. Nguồn cung dầu diesel hạn hẹp có thể thúc đẩy các nhà máy lọc dầu khác gia tăng nhu cầu lọc nhằm phục vụ cho tiêu thụ.
Theo dữ liệu được Reuters tổng hợp, chênh lệch giữa giá dầu Urals phổ biến của Nga và giá dầu Brent đã thu hẹp xuống còn 17 USD/thùng từ mức đỉnh 34,85 USD trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2022, chỉ vài tháng sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ.
Trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, tại Mỹ năng lực tiêu thụ tích cực càng thúc đẩy lực mua đối với dầu thô. Dữ liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ đã tăng lên 632 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 8/9. Tuy nhiên, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động thấp hơn khoảng 17% so với đầu năm 2023, đồng nghĩa với việc sẽ mất vài tuần tăng đều đặn chỉ để bù đắp mức giảm của năm nay.
MXV cho biết yếu tố cung cầu tiếp tục sẽ là trọng tâm ảnh hưởng tới biến động của giá dầu trong tuần này, sau khi OPEC+ gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng. Báo cáo thị trường dầu tháng 8 từ ba tổ chức lớn bao gồm: OPEC, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) sẽ cung cấp góc nhìn dự báo cung cầu nửa cuối năm nay. Điều này sẽ mang tính chất quyết định tới xu hướng giá dầu trong trung hạn.
Diễn biến khác trái chiều thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần qua phải kể đến đà suy yếu trên thị trường kim loại. Giá bạch kim lao dốc đến 7,63%, giá bạc giảm mạnh 5,65%. Các mặt hàng kim loại cơ bản quan trọng khác như niken, đồng cũng ghi nhận các mức giảm trên 3%. Đồng USD tăng mạnh khiến chi phí giao dịch leo cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ kim loại trong sản xuất công nghiệp vẫn yếu do nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm đã kéo giá kim loại liên tục đi xuống trong tuần vừa qua.
Theo MXV, thị thị trường kim loại nhiều khả năng sẽ còn biến động rất mạnh trong tuần này do tác động từ hàng loạt các dữ liệu kinh tế vĩ mô quan trọng; tiêu biểu phải kể đến như Dữ liệu lạm phát tháng 8 của Mỹ, cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu, hay các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv