Đóng cửa ngày hôm qua 9/11, chỉ số MXV-Index nối dài chuỗi giảm điểm sang ngày thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 0,3% xuống còn 2.183 điểm. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 10 tới nay, phản ánh xu hướng giảm của nhiều mặt hàng chủ chốt.
Giá trị giao dịch tại MXV hồi phục lại trong ngày hôm qua, đạt gần 4.000 tỷ đồng. Tuy giảm so với giai đoạn đầu tháng 11, nhưng dòng tiền trên thị trường hàng hóa đang tốt hơn khá nhiều so với tháng 10.
Đến hẹn lại lên, báo cáo hàng tháng của Bộ nông nghiệp Mỹ, phát hành vào lúc 0h sáng hôm qua theo giờ Việt Nam đã tiếp tục tạo ra rung lắc và biến động lớn trên thị trường nông sản liên thông với Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago.
Đóng cửa, giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 1,7% xuống còn 184,24 USD/tấn; giá lúa mì Chicago cũng giảm gần 2% xuống còn 213,39 USD/tấn. Giá đậu tương cũng giảm 1,6%.
Trong báo cáo tháng 11, Bộ nông nghiệp Mỹ đã điều chỉnh tăng dự báo Tồn kho cuối niên vụ 2023/24 của nước này đối với tất cả 3 mặt hàng quan trọng là ngô, đậu tương và lúa mì. Cụ thể, tồn kho đậu tương tăng từ 220 lên 245 triệu giạ; tồn kho lúa mỳ tăng từ 670 lên 684 triệu giạ; và tồn kho ngô cũng tăng lên mức 2,15 tỷ giạ. Đây là những mức tăng cao hơn dự báo của thị trường và là nguyên nhân chính khiến giá giảm trong ngày hôm qua.
Bên cạnh đó, các số liệu cung cầu của thế giới cũng rất đáng chú ý. Sản lượng lúa mỳ của Nga dự báo sẽ đạt 90 triệu tấn trong mùa vụ tới, tăng đến 5 triệu tấn so với báo cáo tháng trước. Sản lượng ngô của Ukraina cũng được tăng dự báo từ 28 lên 29,5 triệu tấn. Đây là những tín hiệu tích cực hơn, cho thấy các mùa vụ ngũ cốc tại khu vực biển Đen sẽ hồi phục trở lại trong thời gian tới.
Còn tại Nam Mỹ, nơi đang ở giai đoạn đầu của mùa vụ 2023/24, ước tính 6,1% diện tích đậu tương và 24,7% diện tích ngô tại Argentina đã được gieo trồng xong. Những cơn mưa thuận lợi trong thời gian tới có thể sẽ làm tăng diện tích trồng đậu tương của quốc gia này. Hiện nay, Argentina vẫn đang là nước xuất khẩu khô đậu tương lớn nhất thế giới, trong khi Việt Nam luôn nằm trong 2 nước nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất.
Sáng nay, 10/11, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đã ngay lập tức bị ảnh hưởng bởi xu hướng thế giới. Giá ngô CNF giao đầu năm 2024 tại cảng Cái Lân đã được các nhà cung cấp điều chỉnh giảm từ 3 – 4 USD/tấn so với hôm qua, hiện đang ở quanh vùng 250 USD/tấn. Báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết nước ta đã nhập khẩu 7,74 triệu tấn ngô trong 10 tháng đầu năm, với kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD. Đây là mức tăng 2,3% về lượng, nhưng giảm 11,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, do giá ngô có xu hướng giảm từ đầu năm tới nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv