Thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới vừa trải qua một trong những tuần giao dịch tăng giá mạnh nhất từ đầu năm tới nay. Có đến 29 trên tổng số 31 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh, giúp chỉ số MXV-Index tăng rất mạnh hơn 5%, lên 2.567 điểm, là mức cao nhất trong vòng 7 tuần trở lại đây. Dòng tiền đầu tư đến thị trường cũng gia tăng mạnh mẽ trong tuần, với giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt gần 5.000 tỷ đồng mỗi phiên, cao hơn 16% so với mức trung bình của tháng 10.

Một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường trong tuần qua, đặc biệt là các mặt hàng thuộc nhóm năng lượng và kim loại, đó là kỳ vọng về việc nhu cầu tiêu thụ sẽ sớm phục hồi trở lại. Cùng với đó, sức ép từ phía nguồn cung cũng đã củng cố thêm cho đà tăng của giá.

Đối với nhóm kim loại, đóng cửa, giá bạc kỳ hạn tháng 12 trên Sở COMEX và quặng sắt cùng kỳ hạn trên Sở Singapore đồng loạt tăng hơn 8%, mức tăng lớn nhất ghi nhận trong nhóm. Theo sát đó, giá đồng trên cả Sở COMEX và LME cũng đều kết thúc tuần với mức tăng trên 7,5%.

Giá bạc nhận được động lực tăng mạnh bởi thông tin tiêu thụ tích cực của quốc gia sử dụng bạc lớn nhất thế giới là Ấn Độ. Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Bộ Thương mại quốc gia Ấn Độ, nhập khẩu bạc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 đạt mức 6.370 tấn, cao hơn rất nhiều so với mức 153,4 tấn của cùng kỳ năm trước. Dự báo tiêu thụ bạc của nước này trong năm nay sẽ tăng khoảng 80% lên mức kỷ lục sau 2 năm ghi nhận nhu cầu ở mức thấp do sức ép từ dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, giá đồng phá vỡ xu hướng giảm trong vòng hơn 2 tháng qua trước một vài thông tin đang cho rằng Trung Quốc sẽ thực hiện những thay đổi đáng kể đối với chính sách Không Covid. Điều này đã củng cố niềm tin của giới đầu tư vào sự hồi phục về nhu cầu trong hoạt động sản xuất và xây dựng của nước này.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ có tín hiệu khởi sắc, thì nguồn cung đồng lại đối mặt với khả năng thâm hụt. Mới đây, dữ liệu từ cơ quan Chính phủ Chile cho biết sản lượng đồng của quốc gia này trong tháng 9 đạt mức 428,3 nghìn tấn, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác từ tập đoàn sản xuất đồng lớn nhất thế giới Codelco giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù đây thường là thời điểm sản lượng tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu cao điểm. Dữ liệu từ Nhóm Nghiên cứu đồng quốc tế cho biết 8 tháng đầu năm nay, thâm hụt đồng tinh chế ở mức 292 nghìn tấn, cao hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, gián đoạn về nguồn cung tại mỏ đồng lớn thứ 8 trên thế giới là Las Bambas ở Peru cũng đã hỗ trợ thêm cho đà tăng của đồng trong ngắn hạn.

Chung xu hướng giá với nhóm kim loại, thị trường năng lượng cũng thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư với mức tăng mạnh mẽ của giá dầu ở mức hơn 5%. Kết thúc tuần qua, dầu WTI đã vượt mức 90 USD/thùng, chốt ở mốc 92,61 USD/thùng, dầu Brent cũng đã cao hơn 98,5 USD/thùng. Như vậy, lực mua mạnh mẽ trong tuần qua đã giúp thô đã trở về vùng giá cao nhất trong vòng 2 tháng.

Kỳ vọng về việc nhu cầu sẽ khởi sắc, trong khi kỳ hạn cấm vận nhập khẩu dầu Nga của khu vực châu u đến gần càng khiến cho cân bằng cung – cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường sẽ rất dễ rơi vào trạng thái thiếu hụt. Trong khi đó, số giàn khoan tại Mỹ trong tuần vừa rồi chỉ tăng nhẹ 2 chiếc lên 768, cho thấy khó có thể kỳ vọng nguồn dầu có thể nhanh chóng được bổ sung trên thị trường.

MXV cho biết, trong tuần này, thị trường năng lượng sẽ đón nhận những số liệu rất quan trọng từ báo cáo Triển vọng năng lượng do Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) phát hành vào thứ 5 tới đây. Báo cáo sẽ cung cấp các dữ liệu về cung cầu và nhiều khả năng sẽ tác động mạnh tới giá xăng dầu trong vài ngày sau đó.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv