Sắc đỏ tiếp tục áp đảo trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua. Chỉ số MXV-Index chốt ngày giảm 0,48% xuống 2.146 điểm, nối dài chuỗi giảm sang ngày thứ 4 liên tiếp, đồng thời kéo chỉ số hàng hoá này sụt sâu xuống mức thấp nhất trong hơn 5 tháng trở lại đây. Cùng với đó, dòng tiền đầu tư đến thị trường cũng cho thấy tín hiệu suy yếu. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.800 tỷ đồng.

Nhóm kim loại tiếp tục dẫn dắt xu hướng thị trường. Ngoại trừ quặng sắt, tất cả các mặt hàng kim loại còn lại đồng loạt đóng cửa hôm qua trong sắc đỏ. Hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim sụt giảm ngày thứ 2 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 1,45% và 2%. Cùng với đó, giá đồng COMEX đánh mất 1,34% giá trị, xuống còn 8.342,28 USD/tấn, thấp nhất trong vòng 2 tuần.

MXV cho biết, đồng USD tăng mạnh gây áp lực lớn trên thị trường kim loại nói chung, đặc biệt là với kim loại quý. Chỉ số Dollar Index tăng 0,33% lên 104,05 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tuần nhờ số liệu kinh tế tích cực của Mỹ. Theo Viện quản lý cung ứng (ISM), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ của Mỹ ghi nhận tháng mở rộng thứ mười một liên tiếp, đạt 52,7 điểm trong tháng 11/2023, cao hơn 0,9 điểm so với tháng trước. 

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, trên thị trường năng lượng, giá dầu bị đẩy xuống vùng thấp nhất trong vòng gần 5 tháng qua trước lo ngại về nhu cầu suy yếu, trong khi nguồn cung vẫn được đảm bảo. Kết ngày 5/12, dầu WTI giảm 0,99% xuống 72,32 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa với mức giá 77,2 USD/thùng, giảm 1,06%. Đây là mức đóng cửa thấp nhất đối với cả hai loại dầu thô kể từ ngày 6/7, cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 5, giá dầu WTI ghi nhận 4 ngày giảm liên tiếp.

Bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+), các nhà giao dịch vẫn tăng cường vị thế bán. Tính chất “cắt giảm tự nguyện” đang được đánh giá sẽ không mang lại hiệu quả trong việc hạn chế nguồn cung, vì ngoại trừ Ả Rập Saudi, các thành viên khác khá dè dặt trong việc thu hẹp thị phần.  

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya, thành viên OPEC, cho biết họ đang trên đà tăng sản lượng dầu lên 2 triệu thùng/ngày trong vòng 3 đến 5 năm tới. Hiện tại, sản lượng của quốc gia này đạt khoảng 1,15 triệu thùng/ngày. 

Trong khi đó, lần đầu tiên sau 7 tháng, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả Rập Saudi hạ giá dầu thô Arab Light cho khách hàng châu Á. Điều này phản ánh về sức cầu suy giảm tương đối so với nguồn cung, từ đó gây áp lực cho giá dầu.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Viện dầu khí Mỹ (API) công bố tồn kho dầu thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 1/12 đã tăng gần 600.000 thùng, so với dự báo giảm 1,4 triệu thùng của giới phân tích. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng lần lượt 2,8 triệu và 1,9 triệu thùng, càng làm gia tăng áp lực cho giá dầu vào mở cửa phiên sáng nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv