Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua 05/05, thị trường có sự phân hoá trên các nhóm mặt hàng nguyên liệu. Chỉ số MXV - Index tăng nhẹ 0,37% lên mức 3.055 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó dòng tiền đến nhóm kim loại tăng 10% so với ngày trước đó, đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Diễn biến trái chiều xuất hiện trên bảng giá của cả nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Trong khi giá bạc tăng không đáng kể chưa đến 2%, đóng cửa ở mức 22,44 USD/ounce thì giá bạch kim lại giảm hơn 0,6% xuống còn 973,4 USD/ounce.

Tính từ giữa tháng 4 đến nay, giá bạc đã có đến 12 phiên giảm giá trên tổng số 14 phiên gần nhất, cho thấy đà lao dốc của mặt hàng này. Cùng với đó, giá bạch kim cũng trải qua chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, sau đó liên tục giằng co với các phiên tăng giảm xen kẽ.

Giá kim loại quý chịu sức ép lớn khi chỉ số Dollar Index- thước đo giá trị của đồng USD so với một loạt các đồng tiền của nước phát triển khác, bật tăng mạnh mẽ lên mức gần 104 điểm, cao nhất trong vòng 2 thập kỷ. Việc đồng USD lấy lại vị thế đã gây áp lực lên vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý và nối dài đà giảm của giá.

Cùng chung diễn biến tương tự nhóm kim loại quý, lực bán cũng đang áp đảo trên thị trường kim loại cơ bản. Giá đồng kỳ hạn tháng 7 trên Sở COMEX quay đầu giảm hơn 1%, xuống mức 9,461 USD/tấn sau 2 phiên tăng liên tiếp. Tính từ đầu tháng 04 đến nay, mặt hàng này đã giảm hơn 8%. Với vai trò là nguyên liệu đầu vào thiết yếu đối với nhiều ngành sản xuất công nghiệp, nhu cầu tiêu thụ kim loại cơ bản này đối mặt với sụt giảm nghiêm trọng do nền kinh tế toàn cầu mất đà tăng trưởng.

Mới đây, chính phủ Mỹ đã công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2022 giảm 1,4% và là lần đầu tiên ghi nhận mức sụt giảm kể từ năm 2020. Chỉ số PMI của Mỹ cũng giảm tháng thứ 3 liên tiếp về 55,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Chỉ số PMI Phi sản xuất trong tháng 04 vừa qua cũng chỉ đạt 57,1 điểm, thấp hơn so với mức dự đóan 58,5 điểm của thị trường và cũng thấp hơn mức 58,3 điểm của tháng 03.

Triển vọng tiêu thụ kém khả quan, trong khi nguồn cung lại có dấu hiệu được củng cố càng kìm hãm đà tăng của giá đồng. Mới đây, Peru đã khôi phục được các hoạt động khai thác trước khi bước vào cuộc đàm phán với cộng đồng biểu tình tại mỏ Cuajone. Trước đó, hoạt động sản xuất đã phải đình chỉ hơn 50 ngày liên tiếp khiến sản lượng đồng tại mỏ này sụt giảm hơn 10%. Thông tin này là tín hiệu rất tích cực đối với nguồn cung đồng toàn cầu. Bên cạnh đó, tồn kho đồng trên Sở LME liên tục tăng nhanh từ đầu và hiện đã đạt mức hơn 159 nghìn tấn, cao hơn đến 70% so với tháng 01 năm nay.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, diễn biến của thị trường đồng sẽ còn chịu tác động bởi một loạt các chính sách kinh tế vĩ mô ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, và các nhà đầu tư sẽ cần một khoảng thời gian để hấp thụ hết tác động từ những tin tức này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv