Sau chuỗi 3 ngày giảm liên tiếp, thị trường hàng hóa thế giới đã khởi sắc trở lại trong ngày hôm qua, dù mức tăng vẫn rất khiêm tốn. Chỉ số hàng hóa MXV-Index chỉ tăng 0,1% lên mức 2.553 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 3.700 tỷ đồng.

Ngoại trừ sự sụt giảm liên tiếp của các mặt hàng năng lượng và dầu thô, các nhóm còn lại đều ghi nhận các mức tăng khá tốt. Cụ thể, cả 2 mặt hàng dầu thô đều đánh mất hơn 2% trong ngày hôm qua do lo ngại nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Đóng cửa, dầu WTI chốt ở 88,5 USD/thùng, Dầu Brent cũng giảm còn hơn 94 USD/thùng. Đây là vùng giá thấp nhất của dầu thô kể từ giữa tháng 3 tới nay và giá dầu hiện đã giảm gần 25% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 6.

Bức tranh tiêu thụ dầu đang ngày càng trở nên tiêu cực hơn trước những lo ngại về lạm phát và triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng như chính sách “không Covid” vẫn đang được chính phủ Trung Quốc áp dụng. Ngân hàng trung ương Anh hôm qua tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản, tiếp tục đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 27 năm, có thể khiến nền kinh tế quốc gia này rơi vào suy thoái.

Diễn biến hoàn toàn trái ngược với nhóm năng lượng, tất cả các mặt hàng nông sản liên thông với sở Chicago đồng loạt tăng giá trong ngày hôm qua. Khô đậu tương dẫn dắt xu hướng khi tăng vọt 5,68% lên 463,74 USD/tấn, từ đó cũng thúc đẩy giá đậu tương tăng 3,5%. Theo là 2 mặt hàng lúa mì đều hồi phục hơn 2% từ vùng giá thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.

Những tín hiệu tích cực về nhu cầu tiêu thụ là yếu tố chính thúc đẩy đà nhảy vọt của nhóm đậu tương. Theo báo cáo Bán hàng xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, bán hàng khô đậu tương niên vụ 2021/22 trong tuần vừa qua đã gấp gần 6 lần so với báo cáo trước. Điều này đang phản ánh phần nào nhu cầu tăng mạnh đối với khô đậu Mỹ trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh EU đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Còn theo hãng tin Reuters, dự báo Ai Cập sẽ nhập khẩu 231 nghìn tấn đậu tương Mỹ trong tháng 08. Do đó, lũy kế nhập khẩu đậu tương Mỹ trong 10 tháng đầu niên vụ 2021/22 của Ai Cập dự kiến sẽ tăng 36% lên mức 3,9 triệu tấn.

Trên thị trường nội địa, giá thế giới tăng đã có tác động ngay lập tức lên giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại cả miền Nam và miền Bắc. Sáng nay, giá ngô tại khu vực miền Bắc đã tăng trở lại khoảng 100 đồng/kg, đang chào bán trong khoảng giá từ 8.000 – 8.200 đồng/kg đối với hàng giao vào quý IV năm nay.

Trong khi đó, giá khô đậu tương cũng đã tăng thêm khoảng 200 đồng/kg, đang được bán quanh mức 13.800 – 14.200 đồng/kg. Nhìn chung vùng giá hiện tại đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu năm, sẽ thúc đẩy hoạt động mua hàng và nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất Thức ăn chăn nuôi trong nước.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv