Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đã trải qua một tuần giao dịch cực kỳ sôi động, giúp giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam tăng hơn 11%, lên mức 5.800 tỷ đồng mỗi phiên. Trong đó, phiên giao dịch ngày 27/6 có giá trị đạt gần 9.600 tỷ đồng, là 1 trong 5 phiên có giá trị lớn nhất từ trước tới nay.
Chỉ số MXV-Index đóng cửa tuần giảm 1,13% xuống còn 2.173 điểm, trong đó mức giảm mạnh nhất đến từ nhóm nông sản.
Chỉ tính riêng phiên giao dịch ngày 30/6, giá ngô kỳ hạn tháng 12 trên sở Chicago đã mất 6,4% giá trị và chốt tuần giảm mạnh 16%, xuống còn 194 USD/tấn. Lúa mì sụt giảm 6 phiên liên tiếp, đóng cửa ở 239 USD/tấn, thấp hơn 12% so với tuần trước đó.
Những số liệu tích cực về diện tích và sản lượng toàn cầu thể hiên ở các báo cáo quan trọng đã gây sức ép lên giá ngô và lúa mì trong tuần vừa qua. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính nước này đã trồng 94,1 triệu mẫu ngô, mức cao nhất trong 9 năm qua, tăng khoảng 2 triệu mẫu so với dự báo hồi tháng 3 và vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường. Cả diện tích và năng suất đều được đánh giá tích cực hơn trong khi nhu cầu đối với ngô Mỹ lại đang khá yếu vào thời điểm hiện tại. Kết hợp với dự báo thời tiết thuận lợi cho mùa vụ trong giai đoạn tới đã tạo áp lực mạnh lên giá ngô.
Đối với lúa mì, mới đây, Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) cũng đã nâng dự báo sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2023/24 thêm 3 triệu tấn lên mức 786 triệu tấn. Điều này cho thấy triển vọng vụ mùa tích cực tại Ukraine, nơi sản lượng đang được dự báo sẽ đạt 22,5 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 20,2 triệu tấn trong dự đoán trước.
Trái ngược hoàn toàn với những diễn biến giảm trên nhóm nông sản, thì trên thị trường năng lượng, mặc dù trải qua 2 quý giảm liên tiếp, dầu thô vẫn đóng cửa tuần cuối cùng của quý II với tín hiệu hồi phục. Giá dầu WTI đã lấy lại mốc 70 USD/thùng sau khi tăng 2,14%, và giá dầu Brent cũng tăng 1,89% lên mức 75,41 USD/thùng.
Lo ngại nguồn cung thu hẹp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tương đối tích cực tại Mỹ là nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá dầu.
Nguồn cung tại Mỹ tiếp tục cho thấy sự thu hẹp quy mô khai thác. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 7 xuống 675 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 30/6, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2022. Như vậy, các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên hoạt động trong tuần thứ 9 liên tiếp.
Trong khi đó, theo khảo sát của Reuters, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC đã bơm 28,18 triệu thùng/ngày trong tháng 6, giảm 50 nghìn thùng/ngày so với trong tháng 5.
Trong tháng 7, riêng Ả rập Xê Út sẽ cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày, làm dấy lên lo ngại về thâm hụt đối với thị trường dầu thô giai đoạn cuối năm.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất tại Libya cũng đứng trước nguy cơ gián đoạn so một số bất ổn chính trị. Điều này càng làm sâu sắc hơn triển vọng nguồn cung thắt chặt và tạo hỗ trợ cho giá.
MXV cho biết, trong tuần này, thị trường năng lượng sẽ chờ đón các thông tin từ cuộc hội thảo do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tổ chức vào ngày 5 và 6 tháng 7 tại Vienna. Cuộc họp của các CEO ngành dầu mỏ với các bộ trưởng năng lượng từ OPEC và đồng minh dự kiến sẽ khiến giá dầu biến động mạnh trong tuần.
Bên cạnh đó, một sự kiện quan trọng khác phải kể đến biên bản họp của FED công bố vào 1h sáng thứ năm. Bất kỳ động thái tăng lãi suất nào của FED, cũng có thể tạo ra biến động lớn đối với các mặt hàng nhạy cảm với kinh tế vĩ mô như dầu thô, kim loại hay cà phê.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv