Đóng cửa ngày giao dịch đầu tháng 8, lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số hàng hoá MXV-Index nối dài chuỗi giảm sang ngày thứ 5 liên tiếp, với mức giảm 0,38% xuống 2.315 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.700 tỷ đồng.

Nhóm kim loại đóng góp chính vào mức giảm của toàn thị trường với 8 trên tổng số 10 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Kim loại quý là bạc dẫn dắt đà sụt giảm khi chốt ngày suy yếu 2,59% xuống 24,32 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng một tháng rưỡi. Trong khi đó, 2 mặt hàng kim loại cơ bản quan trọng, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất công nghiệp là đồng và quặng sắt cũng ghi nhận các mức giảm lần lượt là 2,48% và 1,05%.

Nhóm kim loại gặp sức ép ngay sau khi Trung Quốc công bố các dữ liệu kinh tế cho thấy hoạt động sản xuất thu hẹp tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất Caixin đạt 49,2 điểm, thấp hơn so với mức 50,1 điểm theo dự báo của giới phân tích và là mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. 

Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn ở Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên nhu cầu đồng và quặng sắt. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy doanh số bán nhà tại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm trở lại đây. Cụ thể, giá trị doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 350,4 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 49 tỷ USD) trong tháng 7. 

Trong khi đó, dữ liệu từ Reuters cho thấy tiêu thụ đồng tại Trung Quốc vẫn còn yếu trong giai đoạn nửa đầu năm. Trung Quốc đã nhập khẩu 1,65 triệu tấn đồng tinh chế trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 12% so với nửa đầu năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2019. 

Tương tự, mới đây công ty tư vấn Mysteel dự báo giá quặng sắt sẽ giảm trong tuần tới khi lượng hàng đến 45 cảng lớn của Trung Quốc duy trì ở mức tương đối cao 23,29 triệu tấn, trong khi các chính sách cắt giảm sản xuất thép vẫn được thực hiện và làm giảm nhu cầu quặng sắt.

Theo đà giảm của giá sắt thép trên thế giới, giá thép xây dựng trong nước cũng đã trải qua 15 lần điều chỉnh giảm liên tiếp trong năm nay. Tính đến kỳ điều chỉnh gần nhất vào ngày 21/07, giá thép trong nước hiện đã về quanh mốc 14 triệu đồng một tấn, duy trì ở vùng giá thấp nhất kể từ cuối năm 2020, mức đáy 3 năm. 

Một diễn biến đáng chú ý khác, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, dầu cọ thô ghi nhận ngày thứ 6 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Sau đợt phục hồi vào tuần trước nhờ lo ngại gián đoạn nguồn cung từ khu vực biển Đen, thị trường dầu cọ dường như mất đi động lực tăng. Ngoài ra, việc dầu thực vật trên sở Đại Liên và Chicago suy yếu cũng góp phần tạo sức ép lên giá dầu cọ.

Theo các chuyên gia, sau khi xuất khẩu tăng mạnh vào tháng 06 và 07, bán hàng dầu cọ trong tháng 08 của Malaysia có thể sẽ chững lại do các nhà nhập khẩu đủ lượng hàng dự trữ. Mới đây, Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOC) cho biết, giá dầu cọ thô của Malaysia sẽ giao dịch ở mức 3.700 – 4.200 ringgits/tấn trong nửa cuối năm 2023 và được hỗ trợ trong dài hạn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) 

 

Nguồn: Mxv