Mở cửa phiên giao dịch ngày 07/10, giá đậu tương vẫn tiếp tục diễn biến giằng co. Hiện tại, giá đang ở trong nhịp giảm mạnh và tín hiệu hình thành xu hướng đang ngày càng được củng cố khi vùng đáy 1360 được thiết lập vào 2 tháng trước đã bị phá vỡ. Xét về mặt kĩ thuật, các đợt giảm mạnh đi cùng sau đấy là một vài phiên điều chỉnh kĩ thuật đang có thể sẽ tạo ra động lực vững chắc để đẩy giá đậu tương về vùng hỗ trợ tiếp theo là 1320.

Đây là giai đoạn mà thị trường sẽ tiếp nhận nhiều thông tin cơ bản của đậu tương khi Mỹ đang bước vào thời điểm thu hoạch cao điểm và nhu cầu sẽ được thể hiện qua các số liệu xuất khẩu, trong khi Nam Mỹ cũng bắt đầu gieo trồng vụ mới. Tại Mỹ, những thiệt hại đối với vụ đậu tương năm nay đã rõ ràng sau giai đoạn khô hạn mùa hè và giá gần như đã phản ánh vào đà tăng vào nửa đầu tháng 8. Tuy nhiên, với tồn kho cuối vụ 21/22 đã tăng lên do ước tính sản lượng cao hơn nên việc USDA tiếp tục cắt giảm sản lượng cũng sẽ khó để giúp giá đậu tương hồi phục trở lại.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng của Trung Quốc cũng đang có xu hướng sụt giảm. Điều này không chỉ được phản ánh qua các số liệu nhập khẩu của nước này trong vài tháng qua mà khối lượng bán hàng hàng tuần của Mỹ cũng dự báo rằng nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Mặc dù đang ở trong giai đoạn thu hoạch, nguồn cung sẵn có dồi dào nhất trong năm và cũng là thời điểm mà nông dân đẩy mạnh bán hàng nhưng thị trường lại thiếu vắng các đơn hàng Daily Export Sales với khối lượng lớn. Nhu cầu ép dầu bị hạn chế do tỉ suất lợi nhuận âm trong vài tháng vừa qua vẫn sẽ là yếu tố khiến cho xuất khẩu của Mỹ trong niên vụ 22/23 có thể sẽ sụt giảm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bất chấp năng suất mùa vụ đậu tương Mỹ 22/23 sụt giảm, tồn kho cuối 21/22 cao hơn và nhu cầu suy yếu vẫn có thể xóa đi những lo ngại về nguồn cung thắt chặt từ đó tác động “bearish” dài hạn đến giá.  

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv