Thị trường đồng kết thúc tuần giao dịch vừa qua trong sắc xanh, với mức giá đóng cửa tăng nhẹ lên 4.72 USD/pound. Tuy nhiên, đây là tuần thứ ba liên tiếp giá đi ngang trong khu vực 4.65 – 4.8 USD.

Sự giằng co của giá đồng xuất phát từ việc thị trường thiếu vắng một chất xúc tác đủ mạnh khiến cho giá bứt phá.

Giá đồng vẫn đang neo ở mức cao và chỉ cách đỉnh cao nhất mọi thời đại chưa tới 10% bởi nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chỉ số lạm phát được công bố vào sáng nay cho thấy nền kinh tế thứ hai toàn cầu sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các chính sách kiểm soát dịch chặt chẽ, cùng với những căng thẳng ở khu vực Biển Đen đã khiến cho chi phí sản xuất và cả chí tiêu dùng gia tăng. Chỉ số giá sản xuất PPI tăng 8.3 %, và chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1.5% so với cùng kỳ năm trước. Khác với những nền kinh tế lớn như Anh hay Mỹ, áp lực lạm phát này sẽ không khiến cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thắt chặt các chính sách tiền tệ, thay vào đó, cơ quan này có thể sẽ cân nhắc tới các biện pháp nới lỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Hiện số ca nhiễm ở Trung Quốc đã lên tới gần 26,000 ca, với khoảng hơn 23,000 ca ở Thượng Hải. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng đang có nguy cơ bùng phát ở thành phố Quảng Châu, nơi có dân số khoảng 18 triệu người. Với mật độ dân số đông như của Trung Quốc, các nhà chức trách sẽ còn phải tiếp tục duy trì các chính sách kiểm soát dịch gắt gao nếu muốn đạt được mục tiêu “Không Covid”.

Một yếu tố khác cũng đang gây sức ép lên thị trường đồng là sự sụt giảm sản lượng xe điện. Hai nhà sản xuất lớn là Tesla và Nio hiện đang phải cắt giảm công suất, thậm chí ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bênh.

Về mặt kỹ thuật, giá đồng đã rớt khỏi đường hỗ trợ trendline và cả hai đường EMA 34,89 trên khung H4. Chỉ số RSI cũng cho thấy áp lực bán đang mạnh hơn. Nhiều khả năng, giá sẽ test lại biên dưới của khu vực đi ngang, tương đương với mức 4.65 USD. Các nhà đầu tư có thể canh bán ở mức 4.7 - 4.65 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp

Tiên Phạm

Nguồn: Mxv