Mở cửa phiên giao dịch ngày 22/09, giá đậu tương đang tăng trở lại sau phiên suy yếu trước đó. Như chúng tôi dự đoán, thông tin xoay quanh căng thẳng chính trị ở Biển Đen và khả năng Ukraine gián đoạn xuất khẩu đã không tác động “bullish” đáng kể đến giá đậu tương. Trong vài phiên tới, các yếu tố cơ bản sẽ được phản ánh rõ hơn trong diễn biến của mặt hàng này. Bên cạnh việc thiệt hại đối với mùa vụ đậu tương năm nay của Mỹ đang đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho giá duy trì đà tăng thì triển vọng nhu cầu và dự báo cho hoạt động gieo trồng sắp tới ở Nam Mỹ cũng là 2 yếu tố mà thị trường cần quan tâm trong giai đoạn tới.

Hoạt động gieo trồng đậu tương đang bắt đầu tại Brazil với những số liệu khá tích cực. Tiến độ diễn ra khá nhanh chóng nhờ thời tiết khô ráo với dự báo diện tích niên vụ 22/23 sẽ đạt mức kỉ lục. Trong khi đó, tại Argentina, nông dân cũng đang đẩy mạnh tốc độ bán hàng trong vài tuần vừa qua sau khi chính phủ Argentina áp dụng chính sách tỉ suất hối đoái mới. Không những thế, việc Fed quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm đã khiến cho Dollar tăng mạnh và hàng hóa từ Mỹ càng đắt đỏ hơn. Khối lượng đậu tương xuất khẩu từ Argentina đang tăng mạnh do chi phí mua hàng giao tháng 10 từ quốc gia Nam Mỹ này rẻ hơn khoảng 200 USD/tấn so với hàng Mỹ và Brazil. Bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng mới của Dollar Index và tạo áp lực lên giá đậu tương CBOT. Tác động “bearish” từ yếu tố này sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn khi Mỹ sắp bước vào giai đoạn xuất khẩu cao điểm trong vài tuần tới.

Trong phiên hôm nay, nếu như số liệu bán hàng đậu tương trong báo cáo Export Sales nằm dưới mức 500,000 tấn thì sẽ càng khẳng định cho việc nhu cầu nhập khẩu đậu tương Mỹ đang bị cạnh tranh hơn và là yếu tố tạo sức ép đến giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv