Mặc dù ghi nhận mức hồi phục khá mạnh trong phiên hôm qua nhưng khi mở cửa sáng nay, giá đậu tương đã suy yếu trở lại. Sau khi giá phá vỡ mức chặn dưới của khoảng đi ngang 1480 – 1540 được duy trì trong suốt 3 tháng trước đó, xu hướng giảm đã được thiết lập. Cùng với đó, bối cảnh thị trường với triển vọng nguồn cung tích cực hơn ở 2 nước sản xuất lớn tại Nam Mỹ cũng góp phần củng cố lực bán đối với mặt hàng này trong giai đoạn tới.

Trong những dự đoán đầu tiên về niên vụ 2023/24, USDA chi nhánh Bắc Kinh cho biết nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức 97.5 triệu tấn, từ mức 96 triệu tấn trong niên vụ hiện tại. Nguyên nhân chính mà USDA Bắc Kinh đưa ra là do tăng trưởng nhỏ trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nước này. Sau khi Trung Quốc mở cửa các hạn chế Covid-19 vào tháng 12 năm ngoái, nhu cầu đối với đậu tương dự kiến sẽ có sự cải thiện.

Trong 2 tháng đầu năm, các lô hàng đậu tương từ Mỹ vận chuyển sang Trung Quốc đạt 11.59 triệu tấn, tăng 15.4% so với mức 10.04 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ có khoảng 2.24 triệu tấn đậu tương Trung Quốc nhập khẩu có nguồn cung từ Brazil và con số này giảm 36% so với cùng kì năm ngoái. Theo dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil, trong 3 tuần đầu tháng 03 Brazil xuất khẩu được trung bình 563,600 tấn đậu tương mỗi ngày, cao hơn một chút so với mức 554,100 tấn trung bình hàng hàng được ghi nhận trong cả tháng 02 năm ngoái. Điều này cho thấy tốc độ xuất khẩu đã có sự cải thiện trong tuần này. Không những thế, trong những tuần tới, khi hoạt động thu hoạch được đẩy mạnh thì khối lượng xuất khẩu sẽ còn tăng mạnh hơn do nông dân hiện tại cũng đang ưu tiên việc bán hàng đậu tương. Đây sẽ là yếu tố cạnh tranh trực tiếp với nguồn cung từ Mỹ và tạo áp lực lên giá CBOT trong trung hạn.

 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv