Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/10, giá ngô đang suy yếu trở lại sau 1 tuần tăng nhẹ nhưng không thể phá vỡ kháng cự tâm lí 700. Trong tuần này, xét cả về mặt cơ bản lẫn các thông tin về vĩ mô, thị trường có thể sẽ khá trầm lắng khi không có quá nhiều sự kiến hay báo cáo đặc biệt. Chính vì thế nên chúng tôi cho rằng giá ngô có khả năng vẫn sẽ tiếp tục duy trì khoảng biến động đi ngang nhưng áp lực bán sẽ chiếm ưu thế hơn.

Trong giai đoạn nông dân Mỹ đang thu hoạch ngô và các báo cáo Cung – cầu vừa qua đã phản ánh gần như các yếu tố ảnh hưởng tới sản lượng năm nay thì thị trường sẽ chuyển hướng quan tâm đến khả năng xuất khẩu, mức độ cạnh tranh của ngô Mỹ so với quốc tế. Ngô là mặt hàng phụ thuộc nhiều nhất vào Vùng Vịnh, với khoảng 62% khối lượng ngô xuất khẩu của Mỹ đi qua cảng biển này. Và để tới được cảng, ngô sau khi thu hoạch sẽ được vận chuyển bằng sà lan theo các nhánh sông Mississippi. Tuy nhiên, hạn hán kéo dài ở Mỹ đã khiến cho mực nước sông sụt giảm và ảnh hưởng đến hoạt động vận tải. Theo báo cáo Vận tải ngũ cốc hàng tuần của Bộ nông nghiệp Mỹ, khối lượng nông sản di chuyển về phía nam trên sông đã giảm hơn 29% và số lượng sà lan mỗi đầu kéo giảm 17 – 38%. Điều này cũng đẩy giá cước vận tải nội địa lên cao hơn đáng kể. Trong tuần vừa rồi, một sà lan đi về phía nam từ St. Louis hiện có giá cao hơn 81%/tấn so với tuần trước đó, đắt hơn gần 4 lần so với mức trung bình trong 3 năm qua.

Nếu so sánh giữa nguồn cung ngô từ Mỹ và Nam Mỹ, thì chi phí vận chuyển bằng sà lan là yếu tố giúp ngô Mỹ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khiến cho triển vọng xuất khẩu của nước này đang kém đi. Năm ngoái, khi cơn bão Ida làm hư hại ở các cảng xuất khẩu Vùng Vịnh khiến chi phí vận tải cũng tăng vọt thì giá ngô đã bước vào nhịp giảm mạnh vào đầu tháng 9/2021. Áp lực cạnh tranh sẽ là yếu tố tạo áp lực lên giá ngô trong tuần này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv