Giá phân bón tăng "sấp mặt"-giá cà phê "chạy vã mồ hôi" không đuổi kịp
Giá cà phê thị trường Đắk Lắk đạt 41.300 đồng/kg. Như vậy, so với cùng kỳ nhiều năm, giá cà phê nhân hôm nay tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Giá cà phê Robusta Đắk Lắk cũng cao hơn rất nhiều cùng kỳ năm 2020.
Dự đoán giá cà phê tiếp tục tăng trong tuần tới và thời gian đến. Nhưng có một sự thật phũ phàng-đó là nhiều nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk lại thờ ơ. 
Lý giải nguyên nhân giá cà phê tăng nhưng nông dân vẫn kêu "lỗ sặc gạch", bà Nguyễn Thị Lương (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk).
Gia đình bà Lương có 1 ha cà phê, dự kiến năm nay thu hoạch được khoảng 2 tấn cà phê nhân, bán được khoảng 80 triệu đồng. So với giá cà phê năm ngoái thì doanh thu từ trồng cà phê của nhà bà Lương tăng được 20 triệu, nhưng thực tế gia đình không được thêm đồng nào, thậm chí còn lỗ sặc gạch.
"Cô nghe buồn cười và vô lý phải không? Thì đấy, giá phân bón, giá thuốc các loại từ đầu năm tới nay cứ tăng vù vù. Thanh niên chỗ tôi gọi giá phân bón tăng "sấp mặt". Trồng cà phê muốn có ăn thì ít nhiều cũng phải bón phân, xịt thuốc. Mà giá phân bón tăng vô tội vạ thế thì giá cà phê có tăng nấy, tăng nữa cũng chả đuổi kịp giá phân bón...".

Bà Nguyễn Thị Lương (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm nay các loại phân bón đều tăng giá. Có loại như phân Ure tăng giá gấp đôi chỉ trong vài tháng... nên giá cà phê năm nay tăng thì cũng chạy đuổi không kịp. Ảnh: P.H

Theo bà Lương, riêng vụ cà phê này, tiền phân bón cho cà phê bà đã phải chi thêm từ 26 triệu đồng năm 2020 lên 36 triệu đồng trong năm 2021.
"Đấy là tôi còn chưa kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công cắt cỏ, hái cà...Rồi đến giá xăng dầu cũng tăng giá đồng loạt. Trên mạng cứ động viên nhau là giá cà phê tăng thế cho có không khí thôi, chứ có ai biết nông dân trồng cà phê chúng tôi "ngậm bồ hòn làm ngọt"!", bà Lương thở dài.
Anh Nguyễn Đăng (xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk chịu đầu tư bài bản.
Anh Đăng có 1ha cà phê, trong một năm tôi bỏ 4 đợt phân hết 59 triệu, tiền điện nước tưới 5 lần hết 10 triệu; công làm cỏ, công hái, công bón phân,…hết khoảng 30 triệu nữa.
"Năm nay dự tính thu khoảng 3 tấn, với giá cà phê nhân bán hôm nay thì được khoảng 126 triệu, trừ hết còn lời 27 triệu. Đấy, cô xem, cả một năm làm quần quật, bỏ hết công sức mà lời có 27 triệu đồng, bấy nhiêu tiền lời có đủ sống...?".
Giá cà phê bao nhiêu thì nông dân có tiền trả nợ?
Giá cà phê nhân tăng mạnh, giá cà phê tươi cũng tăng mạnh. Giá cà phê nhân Gia Lai ngày 16/11 đạt 41.200 đồng/kg, nhưng nhiều nông dân ở tỉnh này vẫn than lỗ dài dài.
Ông Nguyễn Văn Chúc (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) nói nếu cộng cả tiền lãi của khoản vốn vay đầu tư thì nông dân trồng cà phê vẫn lỗ nặng. Theo ông Chúc, nếu dự báo giá cà phê hàng ngày, giá cà phê trong tuần tới tăng thêm khoàng 9.000 đồng/kg thì may ra mới có lãi đôi chút.
"Tôi vì hoàn cảnh gia đình không đi xa được, chứ tính ra trồng 1 ha cà phê không bằng hai vợ chồng trẻ đi làm công nhân một năm", ông Chúc so sánh.

Nông dân xã Hoà Đông, huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch cà phê trong khi giá cà phê ngày 16/11 đang tăng. Ảnh: T.T

Tương tự, nhiều nông dân trồng cà phê khác tại tỉnh Gia Lai cho rằng năm nay tuy cà phê được giá nhưng nông dân vẫn chưa thấy lời.
Nguyên nhân chính nông dân trồng cà phê chưa lãi chính là chi phí đầu tư quá cao dù giá cà phê nhân, nhất là giá cà phê Rubusta tăng mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Chúc, ở vùng cà phê vào đợt thúc cây, dưỡng trái, nhiều nhà không có tiền đành phải đi vay nợ bên ngoài để mua phân bón. Vay được tiền hôm nay, ngày mai giá phân bón tăng mạnh, tiền vay vẫn không mua đủ phân bón.
Cũng nói về giá cà phê Đắk Lắk hôm nay 16/11, ông Nguyễn Văn Tân (thôn Xuân Đoàn, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Năm nay phân bón đột ngột tăng cao nên giá cà phê tăng theo là chuyện đương nhiên chứ không có gì lạ. Giá cà phê như thế, giá phân bón, giá nhân công như thế, coi như trồng cà cũng chỉ lấy công làm lời thôi. Nhiều lúc không làm được, phải thuê mướn thì coi như vụ cà phê đó lỗ...Mà trồng cà phê không thể "ăn cả gốc lẫn ngọn" được, phải thuê mướn...".
Theo ông Tân, nếu dự báo giá cà phê đạt khoảng 90.000 – 100.000 đồng thì nông dân mới thực sự có lãi và giàu có nhờ trồng cà phê.

Theo ông Nguyễn Văn Tân (thôn Xuân Đoàn, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), giá cà phê đạt khoảng 90.000 – 100.000 đồng, giá cà phê Robusta tăng thêm 30.000-40.000 đồng/kg nữa thì nông dân mới thực sự có lãi, mới làm giàu được... Ảnh: P.H

Trên thực tế, vụ cà phê tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum hiện nay chỉ mới bắt đầu thu hoạch. Số nông dân đã có cà phê nhân để bán rất ít.
"Đọc báo, nghe đài, rồi theo dõi mạng xã hội thời gian này, thấy nhiều ý kiến dự báo giá cà phê trong tuần tới sẽ tăng, giá cà phê trong tháng tới sẽ tăng vì giá cà phê trực tuyến đang tăng...Rất nhiều thông tin về giá cả mà nông dân chúng tôi nghe nhiều lúc ù cả đầu...Nỗi lo của người trồng cà phê chúng tôi là: giá cà phê sẽ giảm khi vào vụ thu hoạch rộ. Mong rằng cơn ác mộng đó sẽ không thành...", anh Chu Đình Toàn, nông dân trồng 6ha cà phê Robusta ở huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) nói trong ngán ngẩm!

Nguồn: Phương Hằng/Dân Việt