Trong các bài trước chúng ta đã giải thích một cách tổng quát về sự hoạt động của một thị trường yếu tố sản xuất. Chỉ cần áp dụng những nguyên lý chung đó vào thị trường lao động là ta có thể hiểu được cách thức thị trường lao động vận hành như thế nào. Trong bài viết này, chúng ta cố gắng làm nổi bật những đặc điểm riêng của thị trường lao động, với tư cách là một thị trường yếu tố sản xuất đặc thù. Để làm được việc đó khi xem xét cung cầu trên thị trường lao động, chúng ta sẽ chú ý giải thích quyết định cung ứng lao động của một cá nhân và điều này được xem như nền tảng để hiểu cung về lao động. Thị trường lao động không phải lúc nào cũng ở trạng thái cân bằng và có nhiều yếu tố như chính sách của chính phủ hay hoạt động của công đoàn luôn tác động đến sự cân bằng này. Những mô hình lý thuyết có thể giúp chúng ta hiểu và giải thích được các sự kiện đó cũng là nội dung quan trọng của bài viết. Ngoài ra, việc cắt nghĩa những nguyên nhân gây ra sự chênh lệch về lương – một trong những hình thức và nguyên nhân của sự chênh lệch về thu nhập cũng là khía cạnh quan trọng được thảo luận ở đây.

Nội dung chính

I. Cung lao động

1. Khái niệm

Cung lao động là lượng thời gian mà người lao động sẵn sàng và có khả năng làm việc tại các mức tiền công khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định với điều kiện các yếu tố khác không đổi.

Lượng cung lao động là số lượng lao động mà người lao động có khả năng và sẵn sàng cho thuê một mức tiền công nhất định trong một khoảng thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.

Lực lượng lao động xã hội là toàn bộ những người đang lao động và tìm kiếm việc làm.

2. Luật cung lao động

Luat cung lao dong

3. Các nhân tố ảnh hưởng đến cung lao động

3.1. Áp lực về kinh tế

Nếu người lao động gặp khó khăn về kinh tế, họ sẽ phải tham gia vào thị trường lao động nhiều hơn và ngược lại.

VD: Thanh niên ở nông thôn thường đi làm sớm hơn thanh niên ở thành thị.

3.2. Áp lực về tâm lý xã hội

Phản ánh mức độ sẵn sàng tham gia lao động của người lao động đến mức nào. Mức độ đó phụ thuộc vào quan niệm của con người trong xã hội về lao động, đồng thời cũng thể hiện mức độ quan tâm của họ đối với hoạt động nghỉ ngơi, giải trí.

3.3. Giới hạn về thời gian tự nhiên

Một ngày chỉ có 24 giờ = TGlv + TGnn =>  lựa chọn TGlv và TGnn cho tối ưu

Sự thay đổi mức tiền công làm thay đổi lợi ích của lao động cũng như thay đổi chi phí cơ hội của nghỉ ngơi (nghỉ ngơi sẽ làm mất cơ hội kiếm tiền từ lao động). Sự thay đổi mức tiền công đó sẽ tạo ra ảnh hưởng thay thế và ảnh hưởng thu nhập.

– Ảnh hưởng thay thế: với giả định các nhân tố khác không đổi, khi tiền công tăng lên làm tăng thu nhập từ một thời gian lao động cho trước (hoặc tăng chi phí cơ hội của nghỉ ngơi), người lao động sẽ thấy có lợi hơn khi làm việc nhiều hơn, và họ sẽ tăng thời gian các hoạt động mạng tính chất thị trường.
– Ảnh hưởng thu nhập: với giả định các yếu tố khác không đổi, khi tiền công tăng lên, thu nhập của người lao động tăng lên làm tăng cầu về hàng hóa, dịch vụ. Hoạt động nghỉ ngơi sẽ được cầu nhiều hơn khi thu nhập tăng lên.

Giả sử ích lợi cận biên của làm việc là MUlv ; MUnn

MUnn và MUlv tuân theo quy luật lợi ích cận biên giảm dần nên t* xác định ó MUlv = MClv

Điểm xác định thời gian lao động tối ưu là điểm thỏa mãn: MUlv = MClv mà MClv = MUnn

t* được xác định tại thời điểm ích lợi cân biên của làm việc bằng ích lợi cận biên của nghỉ ngơi.

Gioi han ve thoi gian tu nhien

4. Đường cung lao động vòng về phía sau

4.1. Đường cung lao động cá nhân

Duong cung lao dong ca nhan

Ảnh hưởng thay thế và ảnh hưởng thu nhập hoạt động bù trừ lẫn nhau. Tại mức lương W0 thấp hơn mức lương W1 (tức là khi thu nhập còn thấp), ảnh hưởng thay thế lớn hơn ảnh hưởng thu nhập. Tại mức lương W2 cao hơn mức lương W1 (tức là khi thu nhập đã ở mức tương đối), ảnh hưởng thu nhập lớn hơn ảnh hưởng thay thế.

4.2. Đường cung lao động thị trường

Đường cung lao động thị trường là tổng chiều ngang các đường cung lao động cá nhân. Đường cung lao động thị trường cũng có dạng vòng về phía sau nhưng đoạn vòng về phía sau ở rất xa đoạn dốc lên của đường cung lao động thị trường.

II. Cầu lao động

1. Khái niệm

Cầu lao động là đại lượng phản ánh số lượng lao động mà người chủ sẵn lòng và có khả năng thuê mướn ở các mức tiền công khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.

Đường cầu lao động thị trường là tổng lao động được cầu bởi các hãng tại mọi mức tiền công.

2. Luật cầu sức lao động

Luat cau suc lao dong

Cầu lao động là cầu thứ phát vì nó phụ thuộc vào và được dẫn xuất từ mức sản lượng đầu ra với chi phí đầu vào của doanh nghiệp mà mục tiêu là lợi nhuận tối đa. Muốn lợi nhuận tối đa thì các doanh nghiệp lại dựa vào cầu của người tiêu dùng để xác định:

+ Lượng hàng hóa mà doanh nghiệp phải cung cho thị trường.

+ Chi phí cho lao động (mức tiền công).

3. Các nhân tố ảnh hưởng tới cầu lao động

3.1. Nhu cầu về lao động

Phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

VD: Mở rộng sản xuất cần thêm lao động. Khủng hoảng gây thất nghiệp.

3.2. Sự thay đổi của công nghệ

Nhân tố này phản ánh sự phát triển của các hãng sản xuất, của xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường sức lao động.

VD: Đổi mới dây chuyền sản xuất hàng dệt may từ thủ công sang công nghệ sẽ tiết kiệm nhân công.

4. Sản phẩm doanh thu cận biên của lao động

San pham doanh thu can bien cua lao dong

Ta có MR = MC mà P > MC => P > MR và P x MPL > MR x MPL

=> Cùng một mức lương thì hãng độc quyền bao giờ cũng thuê ít nhân công hơn so với hãng cạnh tranh hoàn hảo.

San pham doanh thu can bien cua lao dong 02

5. Quyết định thuê mướn lao động tối ưu của doanh nghiệp

quyet dinh thue muon doanh nghiep toi uu cua doanh nghiep

quyet dinh thue muon doanh nghiep toi uu cua doanh nghiep 02

III. Cân bằng trong thị trường sức lao động

1. Điểm cân bằng trên thị trường cạnh tranh hoàn hảo

Trong thị trường sức lao động CTHH khi một hãng muốn thuê lao động hãng phải chấp nhận mức giá tiền công sẵn có trên thị trường. Có nghĩa là mức tiền công đã được hình thành sẵn trên thị trường

=> đường CUNG đối với 1 hãng thuê lao động trong thị trường CTHH là một đường co dãn hoàn toàn => nằm ngang và song song với trục hoành). Và đường cầu là MRPL.

Hãng tối đa hóa lợi nhuận sẽ quyết định thuê lao động tại mức L* mà W* = MRPL.

Diem can bang thi truong sld tren thi truong canh tranh hoan hao

Diem can bang thi truong sld tren thi truong canh tranh hoan hao 02.jpg

2. Điểm cân bằng trên thị trường phi cạnh tranh

* Một số khái niệm:

Tổng chi phí đầu vào (TIC) là toàn bộ chi phí của hãng chi cho một đầu vào.

TICL = w. L

Chi phí đầu vào trung bình (AIC) là chi phí mà hãng phải trả cho mỗi đơn vị đầu vào.

AICL = w

Chi phí yếu tố cận biên (MIC) là phần gia tăng trong tổng chi phí đầu vào khi hãng mua thêm một đơn vị đầu vào đó.

Diem can bang tren thi truong phi canh tranh 01

– MICL nằm trên đường SL do SL chỉ phản ánh mức lương của lao động; còn TICLphản ánh chi phí thực tế phải trả khi thuê thêm một lao động bao gồm cả lương và các chi phí khác như bảo hiểm…

-Mức thuê lao động tối ưu L* được xác định tại: MICL = MRPL (≡DL)

2.1. Thị trường độc quyền mua

Trong thị trường này doanh nghiệp là người thuê lao động duy nhất trên thị trường nên ta có đường cầu của hãng chính là đường cầu của thị trường. Đường cung của thị trường cũng chính là đường cung lao động đối với hãng.

Mức lương trong thị trường lao động độc quyền mua đạt bằng L* trên đường cung SL và đó là mức lương W*, thấp hơn mức lương khi thị trường lao động là cạnh tranh hoàn hảo (xác định bằng giao của SL và DL).

Diem can bang tren thi truong doc quyen mua

2.2. Thị trường độc quyền bán

Diem can bang tren thi truong doc quyen ban

– Muốn tối đa hoá số lao động được thuê thì doanh nghiệp sẽ chọn tại điểm L*có W* là giao của SL và DL. 

– Muốn tối đa hoá tổng tiền lương thì doanh nghiệp sẽ chọn điểm mà MR = 0, nghĩa là L2 và W2. 

– Muốn tiền công là lớn nhất , mức lao động (L1) xác định tại điểm MR giao với SL, và đặt L1 trên đường cầu DL ta được mức lương rất cao W1. 

2.3. Thị trường độc quyền song phương

Diem can bang tren thi truong doc quyen song phuong

Độc quyền song phương xảy ra khi trên thị trường xuất hiện cả độc quyền bán và độc quyền mua sức lao động.

– Độc quyền bán: điểm A, L2 = MR x SL, còn giá W2 xác đinh trên đường cung họ mong muốn đạt được điểm tối ưu là (W2 ,L2). 

– Độc quyền mua: điểm B, L1 =MICL x DL, mức lương W1 xác định trên SL, đIểm (W1, L1). 

Nếu 2 bên không bên nào có sức mạnh tuyệt đối thì mức lương sẽ giao động trong khoảng từ W1 đến W2.

Nếu sức mạnh độc quyền mua > độc quyền bán thì mức lương sẽ gần với W1 và ngược lại nếu nếu độc quyền mua < độc quyền bán thì mức lương sẽ gần với W2.

Trong trường hợp sức mạnh độc quyền mua và độc quyền bán là ngang nhau thì thị trường sẽ xác định điểm tối ưu tại kết hợp (L*, W*).

3. Các yếu tố ảnh hưởng tới sự cân bằng thị trường lao động

Thị trường lao động là một loại thị trường đặc biệt. Nó gắn liền với hoạt động cơ bản của con người, đồng thời là nơi “tạo ra” thu nhập của đông đảo tầng lớp dân cư trong xã hội. Vì thế sự vận hành của thị trường lao động nhận được sự quan tâm không chỉ của từng người lao động với tư cách là những người cung ứng và các doanh nghiệp với tư cách là người mua mà còn của nhà nước và các tổ chức công đoàn… Chính do có sự can thiệp này mà điểm cân bằng của thị trường bị thay đổi cũng như không phải lúc nào thị trường cũng có thể tự điều chỉnh để đạt đến trạng thái cân bằng của nó. Ở đây tồn tại những yếu tố ngăn trở khả năng hội tụ về điểm cân bằng thông thường của thị trường. Những yếu tố đó là: chính sách tiền lương của chính phủ, hoạt động can thiệp của công đoàn, lợi thế nhờ quy mô và khả năng ngăn cản sự nhập ngành của doanh nghiệp mới, lợi thế của người trong cuộc, chính sách tiền lương hiệu quả…

* Tác động của chính phủ: quy định tiền lương tối thiểu, thuế thu nhập

Chính phủ có thể can thiệp vào thị trường lao động theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, tác động của chính phủ đến thị trường lao động có thể được quy lại về hai loại: hoặc là làm cho thị trường không trở về được trạng thái cân bằng, hoặc là làm cho điểm cân bằng thị trường thay đổi. Chính sách tiền lương tối thiểu của chính phủ thuộc về loại thứ nhất, còn các chính sách như thuế thu nhập, trợ cấp thất nghiệp, hoặc việc chính phủ tham gia vào thị trường lao động với tư cách là người thuê nhân công… thuộc về loại thứ hai.

* Chính sách tiền lương tối thiểu được chính phủ nhiều nước áp dụng. Mục đích của chính sách này là ngăn ngừa những người thuê lao động (các doanh nghiệp hoặc các chủ thuê khác) trả công quá thấp cho những người làm thuê, do đó nó thường được coi là chính sách bảo vệ lợi ích của những người lao động, đặc biệt những người có mức tiền lương tương đối thấp. Thật ra chính sách này cũng chỉ có ý nghĩa với nhóm lao động có mức tiền lương thấp này. Đối với trường hợp lương cân bằng thị trường cao vượt quá mức lương tối thiểu do chính phủ quy định, cân bằng thị trường không bị đụng chạm đến.

* Hoạt động của công đoàn: Công đoàn là tổ chức của những người lao động được thành lập nhằm bảo vệ lợi ích của những người này. Khi tham gia vào công đoàn, những người lao động ủy thác cho tổ chức này quyền đại diện cho mình trong các cuộc mặc cả, đàm phán với giới chủ doanh nghiệp về các điều kiện làm việc, lương và các chính sách đối xử khác với người lao động. Nhờ tập trung và thống nhất sức mạnh đàm phán của nhiều người vào một tổ chức, công đoàn trở thành một thế lực mặc cả, đàm phán có trọng lượng. Quyền lực của công đoàn thể hiện ở chỗ: nó có thể gây sức ép với giới chủ doanh nghiệp bằng cách đe dọa tổ chức các cuộc bãi công có nhiều người tham gia. Tùy theo mức hiện thực của lời đe dọa, quy mô tiềm năng của các cuôc bãi công, mức thiệt hại có thể của các doanh nghiệp mà sức mạnh của công đoàn được đánh giá cao hay thấp.

* Lợi thế theo quy mô: Lợi thế theo quy mô ở đây là cách nói quy ước ám chỉ trường hợp thị trường không còn là thị trường cạnh tranh hoàn hảo, do đó nhà sản xuất có quyền lực thị trường đến mức có khả năng ngăn chặn khả năng gia nhập ngành của các doanh nghiệp mới. Điều này chỉ đúng với trường hợp thị trường độc quyền thuần túy hay độc quyền nhóm. Dựa trên lợi thế quy mô lớn hoặc do có sức mạnh thị trường khác, những doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành có thể tạo ra những trở ngại (sẵn sàng tiến hành quảng cáo với ngân sách quảng cáo lớn, xây dựng những nhà máy lớn, dư thừa công suất hoạt động, thiết lập hệ thống đại lý phân phối hàng độc quyền…) cho việc gia nhập ngành.

IV. Thực trạng lực lượng lao động Việt Nam 2019 và một số vấn đề đặt ra

Việt Nam là nước có quy mô dân số lớn, tháp dân số tương đối trẻ và bắt đầu bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với nguồn nhân lực dồi dào nhất từ trước đến nay. Tính đến hết năm 2017, dân số nước ta đạt 96,02 triệu người, trong đó nữ chiếm khoảng 48,94%. Gia tăng dân số trong những năm qua kéo theo gia tăng về lực lượng lao động. Nhìn chung, mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, đây là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Xét cơ cấu lực lượng lao động theo giới tính, tỷ lệ lao động nam lại nhiều hơn nữ với trên 50% lao động là nam giới. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không đáng kể và cho thấy lao động nữ chiếm một lượng đông đảo. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, những mâu thuẫn giữa sinh đẻ và làm việc, cơ hội tìm được việc làm vừa ý sau khi sinh là thấp.

Hiện nay, lực lượng lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (chiếm trên 22%), tiếp đến là khu vực Bắc trung bộ, Duyên hải miền Trung (trên 21%) và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là các khu vực có diện tích đất rộng, tập trung nhiều thành phố lớn, khu đô thị và nhiều khu công nghiệp, thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh nên thu hút đông đảo lao động tập trung ở những khu vực này. Những khu vực chiếm tỷ lệ thấp, là những khu vực có diện tích đất hẹp, nhiều đồi núi, ít khu đô thị và khu công nghiệp nên không thu hút nhiều lao động đến đây.

Thuc trang thi truong lao dong viet nam 2019

Cơ cấu lực lượng lao động phân theo 2 khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch lớn. Nhìn chung, lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng gần 70%. Con số này có xu hướng giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức cao. Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn có độ tuổi từ 15-30, chiếm 70% số thanh niên và 60% lao động nông thôn. Tuy nhiên, 80% trong số này chưa qua đào tạo chuyên môn. Đặc điểm này là trở ngại lớn cho lao động nông thôn trong tìm kiếm việc làm. Tính đến năm 2017, dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam là hơn 72,04 triệu người (chiếm khoảng 75% tổng dân số cả nước), trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 75,5%, với 54,4 triệu người. So với năm 2010 (tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 75%), lực lượng lao động tính đến năm 2017 tăng cả về tỷ lệ và số lượng tuyệt đối.

Thời gian qua, mặc dù lực lượng lao động tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn, song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với lực lượng lao động Việt Nam hiện nay, cụ thể:

Một là, lao động phân bổ không đều giữa các vùng: Các vùng đất rộng có tỷ trọng lao động thấp (vùng trung du và miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,8% lực lượng lao động, Tây Nguyên chiếm 6,5% lực lượng lao động), phân bổ lao động chưa tạo điều kiện phát huy lợi thế về đất đai, tạo việc làm cho người lao động và tác động tích cực đến sự di chuyển lao động từ các vùng nông thôn ra thành thị. Năm 2017, lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở các vùng Đồng bằng Sông Hồng (21,8%), Đồng bằng Sông Cửu Long (19,1%), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (21,6%), các vùng còn lại chiếm 17,2%.

Thuc trang thi truong lao dong viet nam 2019 02

Hai là, chất lượng lao động thấp, chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển: Nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ (ngân hàng, tài chính, thông tin viễn thông, du lịch…) và công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Kỷ luật lao động của người Việt Nam nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình sản xuất công nghiệp. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp. Phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, nông nghiệp, mang nặng tác phong sản xuất của một nền nông nghiệp tiểu nông, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, không có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Ba là, còn nhiều rào cản, hạn chế trong dịch chuyển lao động: Phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh… trình độ học vấn của lao động di cư thấp và phần đông chưa qua đào tạo nghề. Hầu hết các khu công nghiệp và khu chế xuất – nơi sử dụng đến 30% lao động di cư không có dịch vụ hạ tầng xã hội (ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, đào tạo nghề, tham gia bảo hiểm xã hội…), lao động di cư ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tình trạng trên dẫn tới hậu quả là nguồn cung lao động không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các vùng, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Giải pháp phát triển thị trường lao động

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trước mắt thị trường lao động Việt Nam cần tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và thị trường. Khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động cần sớm được kiện toàn. Chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên; Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn, thí điểm đặt hàng hợp đồng với trung tâm dich vụ việc làm và các tổ chức, đơn vị có liên quan khác như: Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI), Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam… để thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện dự án, trong đó: Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về việc làm; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung chương trình và tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tư vấn viên của trung tâm dịch vụ việc làm; Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lao động, việc làm, nhất là cho lao động nông thôn, lao động di cư và các đối tượng lao động đặc thù…

— Tham khảo: 

Theo Wikipedia. Kinh tế vi mô (Bộ GD-DT, ĐH Kinh Tế, ĐH Ngoại Thương), Samuelson & Nordhaus (Kinh  tế học 1995); Mankiw GS KTH ĐH harvard (Nguyên lý kinh tế).

Tổng cục Thống kê (2017), Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, 
NXB Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;

Phạm Thị Bạch Tuyết (2014), Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Đại học Khoa học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh số 60/2014;