Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 4 (24/04 – 30/04), thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới đón nhận lực bán tương đối mạnh, kéo chỉ số MXV-Index giảm gần 2% xuống 2.252 điểm. Nông sản và Năng lượng, hai nhóm mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) đã dẫn đầu đà suy yếu trong tuần qua.

Yếu tố tiêu thụ kém sắc là nguyên nhân chính dẫn tới đà giảm của hàng loạt các sản phẩm ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago. Trong khi đó, trên thị trường năng lượng, giá dầu suy yếu tuần thứ 2 liên tiếp khi các lo ngại về nguồn cung từ việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã được phản ánh vào giá, trong khi bối cảnh kinh tế vĩ mô kém tích cực thúc đẩy lực bán trên thị trường. Xu hướng giá khá rõ ràng cũng giúp nhóm năng lượng đón nhận dòng tiền tăng vọt trong tuần qua, mức tăng hơn 200%, giúp giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình hơn 4.100 tỷ đồng/phiên.

Nông sản dẫn đầu đà giảm toàn thị trường

Thị trường nông sản đồng loạt đón nhận lực bán mạnh trong tuần qua, dẫn đầu là ngô và lúa mì với mức giảm lần lượt gần 5% và 6%.

Nhu cầu nhập khẩu ngô Mỹ của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới, có xu hướng suy yếu trong khi tiến độ mùa vụ được đánh giá tích cực là những yếu tố chính đã đẩy giá quay trở lại mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết đơn hàng 233.000 tấn ngô niên vụ 22/23 bán cho Trung Quốc đã bị hủy. Trước đó vài ngày, 327.000 tấn ngô niên vụ 22/23 mà Trung Quốc đặt mua cũng đã bị hủy bỏ.

Khác với giai đoạn đẩy mạnh mua hàng trước đó, động thái này của Trung Quốc đã làm dấy lên nghi ngại về sự phục hồi của ngành chăn nuôi trong nước.

Ngoài ra, hoạt động thu hoạch ngô vụ 2 của Brazil đang tạo ra áp lực cạnh tranh cho nguồn cung ngô toàn cầu và thúc đẩy tâm lý cho rằng nhu cầu đối với loại cây trồng hàng đầu của Mỹ đang suy yếu.

Với xu hướng tương tự, lúa mì là mặt hàng giảm giá mạnh nhất nhóm nông sản trong tuần vừa rồi, sau 7 phiên liên tiếp kết thúc trong sắc đỏ.

Ủy ban châu Âu (EC) đã tăng mạnh dự báo tồn kho lúa mì cuối niên vụ 22/23 của Liên minh châu Âu (EU), do xuất khẩu dự kiến giảm trong khi nhập khẩu tăng. Cụ thể, tồn kho lúa mì mềm cuối niên vụ hiện tại của EU được dự báo ở mức 19,6 triệu tấn, từ mức 18,1 triệu tấn trong báo cáo tháng 03.

Báo cáo tháng này của EC cũng nêu ra vấn đề nguồn cung dư thừa, khiến một số nước phía đông châu Âu kêu gọi hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, gây áp lực tới giá lúa mì.

Nhóm đậu tương cũng đón nhận lực bán khá mạnh trong tuần qua, trong đó, giá đậu tương có 4 trên 5 phiên giảm, kéo mức giảm hàng tuần xuống 2%, hiện đang ở vùng giá thấp nhất trong hơn 1 tháng. Triển vọng vụ mùa tích cực tại Mỹ và Brazil là yếu tố chính khiến giá chịu sức ép.

Giá dầu giảm tuần thứ 2 liên tiếp khi rủi ro suy thoái gia tăng

Trên thị trường năng lượng, giá dầu ghi nhận tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp khi rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, lấn át những lo ngại về nguồn cung trước đó. Giá dầu WTI kết thúc tuần với mức giảm 1,4% xuống 76,78 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,39% xuống 80,33 USD/thùng.

Thị trường dầu trong nửa cuối tháng 4 phản ứng nhiều hơn với các dữ liệu kinh tế vĩ mô và thông tin về nhu cầu, do yếu tố cắt giảm nguồn cung từ OPEC+ đã được phản ánh hết vào giá trước đó.

Nền kinh tế Mỹ đang đối diện với khá nhiều sức ép, từ môi trường lãi suất cao, rủi ro vỡ nợ, hay hệ thống ngân hàng khu vực gặp nhiều thách thức. Vấn đề thanh khoản của Ngân hàng First Republic đang khiến Chính phủ Mỹ cần xem xét tham gia vào một cuộc giải cứu.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 đã giảm xuống còn 101,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong Quý I/2023 của Mỹ đã tăng 1,1% so với quý trước, thấp hơn nhiều so với dự đoán mức tăng trưởng 2%.

Bức tranh kinh tế kém sắc tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới làm gia tăng lo ngại suy thoái, đã thúc đẩy lực bán và kéo giá dầu suy yếu trong tuần qua.

Trong khi đó, yếu tố cung – cầu tương đối đảm bảo trong ngắn hạn. Xuất khẩu dầu thô của Nga ổn định ngay cả khi chính phủ cho biết sản lượng đã bị cắt giảm, với dòng chảy từ các cảng của Nga duy trì ở mức 3,4 triệu thùng/ ngày, tương đương với tuần trước đó.

Tuy nhiên, giá dầu phục hồi trong phiên cuối tuần khi nguồn cung về dài hạn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ đó, đã thu hẹp mức giảm giá trong cả tuần qua

Sản lượng dầu thô của Mỹ giảm trong tháng 2 xuống 12,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ không thay đổi trong tuần qua ở mức 591 giàn, nhưng đã giảm 1 giàn trong tháng 4, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ 5.

Nguồn cung của 5 loại dầu thô Biển Bắc làm cơ sở cho tiêu chuẩn Brent đã xác định sẽ đạt mức trung bình khoảng 607.000 thùng/ngày trong tháng 6, so với 696.000 thùng/ngày trong tháng 5, tương đương mức giảm khoảng 13%.

Ngoài ra, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ tháng 3 chỉ tăng 0,1% so với tháng 2, thấp hơn mức dự báo, cũng thúc đẩy niềm tin chu kỳ tăng lãi suất sớm dừng lại, hỗ trợ lực mua trên thị trường dầu.

Thị trường hàng hoá sẽ biến động trước tâm điểm cuộc họp lãi suất của Fed 

Trong tuần này, thị trường sẽ hướng sự chú ý vào cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm ngày 3/5. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECN) cũng sẽ có cuộc họp tương tự trong tuần.

Theo MXV, giá hàng hoá nhiều khả năng sẽ biến động mạnh bởi kỳ vọng khác nhau về kịch bản đối với những nền kinh tế hàng đầu thế giới sau cuộc họp. Với xu hướng phản ứng khá mạnh với các tin tức kinh tế vĩ mô trong thời gian gần đây, giá nhóm kim loại, năng lượng, đặc biệt là dầu thô, dự kiến sẽ có những thay đổi đáng kể.

Hiện tại, công cụ theo dõi Fed Watch của CME Group cho biết có tới 85% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này, và điều này khá chắc chắn. Điểm đáng quan tâm hơn là liệu Fed sẽ tiếp tục hay dừng chu kỳ tăng lãi suất ngay sau đó, và kỳ vọng này sẽ tác động nhiều hơn tới xu hướng giá hàng hoá.

Có tới 68% ý kiến cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất sau cuộc họp lần này. Nếu các quan chức Fed phát đi các thông điệp tương tự, giá hàng hoá có thể lấy lại đà phục hồi trong thời gian tới.

Đối với thị trường nông sản, các báo cáo từ USDA vào đầu tuần sẽ phản ánh nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc. Ngoài ra, triển vọng mùa vụ Mỹ thời điểm gieo trồng hiện tại sẽ là yếu tố chính tác động lên giá trong giai đoạn này.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)

 

 

 

 

Nguồn: Mxv