Thị trường hàng hóa vừa đóng cửa tuần giao dịch với những biến động rất mạnh. Đóng cửa, lực bán chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV- Index giảm mạnh 2,39% xuống 2.297 điểm. Theo đó, đà giảm trong tuần qua đã xoá đi hoàn toàn mức tăng tích luỹ trong 4 tuần liên tiếp; đưa chỉ số hàng hóa MXV- Index về vùng điểm hồi cuối tháng 03. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.500 tỷ đồng mỗi phiên, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết.

Có tới 15 mặt hàng ghi nhận các mức tăng, giảm trên 3%; trong đó, nhiều mặt hàng biến động từ 6 – 8%. Năng lượng và nông sản là 2 nhóm chịu sức ép bán mạnh nhất trong tuần vừa qua với hầu hết các mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.

Nguồn cung nới lỏng gây sức ép lên giá nông sản

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, ngô đã sụt giảm gần 3,5% và xóa đi hoàn toàn mức tăng trong tuần trước đó. Mặc dù tăng nhẹ trong 2 phiên đầu tuần, tuy nhiên, lực bán tại vùng kháng cự 645 cents đã được thúc đẩy và khiến giá duy trì đà suy yếu. Những thông tin trái chiều xoay quanh Ukraine là nguyên nhân lý giải cho hiện tượng đảo chiều của giá.

Vào đầu tuần trước, Ba Lan và Hungary cho biết họ đã quyết định cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, nhằm bảo về ngành nông nghiệp địa phương sau khi nguồn cung ồ ạt làm giảm giá trên toàn khu vực. Ba Lan cho biết, việc vận chuyển ngũ cốc quá cảnh qua nước này cũng sẽ bị cấm. Điều này đã gây ra lo ngại về việc xuất khẩu của Ukraine và khiến cho phe mua chiếm ưu thế trong 2 phiên đầu tuần. Dù vậy, vào thứ 5(20/04), Ba Lan cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận về việc khởi động lại vận chuyển ngũ cốc Ukraine thông qua lãnh thổ của mình, đồng thời bổ sung việc giám sát và niêm phong. Bên cạnh đó, Romania cho biết cũng sẽ niêm phong và giám sát các lô hàng ngũ cốc từ Ukraine quá cảnh qua nước này và tiến hành kiểm soát chất lượng đối với thực phẩm tại các trạm kiểm soát biên giới. Điều này đã giảm bớt lo ngại về tình hình xuất khẩu từ Ukraine và gây áp lực lên giá. MXV nhận định, trong tuần này, ngô có thể sẽ suy yếu về vùng 605 hoặc xa hơn là 600 cents.

Tương tự ngô, lúa mì cũng đã suy yếu gần 3% trong tuần trước. Bên cạnh việc lo ngại về nguồn cung từ Ukraine được xoa dịu, việc Nga đẩy mạnh xuất khẩu cũng là yếu tố đã khiến giá chịu sức ép.

Liên minh Ngũ cốc Nga (RGU) cho biết xuất khẩu ngũ cốc của Nga từ đầu niên vụ 22/23 tới ngày 17/04 đạt 47,8 triệu tấn, bao gồm 41,6 triệu tấn lúa mì. Trong vòng 17 ngày đầu tháng 04, Nga đã xuất khẩu 2,85 triệu tấn ngũ cốc, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các lô hàng lúa mì chiếm 2,34 triệu tấn, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, theo một dự thảo quy định của Nga, những nhà xuất khẩu đã sử dụng hết hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc của mình có thể nhận phân bổ thêm từ các công ty chưa sử dụng hết hạn ngạch, trong bối cảnh Moscow đang tìm cách tối đa hóa các lô hàng ra thế giới và tránh tình trạng cung vượt cầu ở nội địa.

Triển vọng vĩ mô đè nặng, giá dầu giảm sau 4 tuần tăng liên tiếp

Kết thúc tuần giao dịch ngày 17/04 – 23/04, cả hai loại dầu thô Brent và WTI đều ghi nhận mức giảm sâu hơn 5% xuống lần lượt các mức 77,87 USD/thùng và 81,66 USD/thùng.

Nguồn cung toàn cầu đang có dấu hiệu tăng trưởng với xuất khẩu dầu thô của Nga quay trở lại mức trên 3 triệu thùng/ngày vào tuần trước, theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg. Điều này đặt ra một vài nghi ngờ về quy mô của tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày từ hồi tháng 3. 

Trong khi đó, trên thị trường nhiên liệu châu Á, nhu cầu sử dụng xăng và dầu diesel đang tăng tương đối chậm so với cùng kỳ các năm trước đó trong mùa tiêu dùng cao điểm của khu vực, ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid-19.  

Các nhà máy lọc dầu châu Á cũng đang xem xét cắt giảm lưu lượng lọc dầu trong bối cảnh biên lợi nhuận kém hấp dẫn. Trung Quốc cũng có kế hoạch cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt thứ 2 cho năm 2023, theo nguồn tin từ Reuters. 

Đợt hạn ngạch thứ 2 đối với xuất khẩu xăng, dầu gas và nhiên liệu máy bay có thể nằm trong khoảng từ 8 triệu đến 12 triệu tấn. Trong quý đầu tiên, xuất khẩu các loại nhiên liệu này đạt tổng cộng 12,88 triệu tấn, tương đương khoảng 68% hạn ngạch đợt đầu tiên. 

Kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư vẫn đặt vào sự phục hồi tại Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay của Trung Quốc tăng nhanh hơn so với dự báo 0,5 điểm phần trăm, đạt mức ​​4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS). Tuy nhiên, giá dầu không nhận được hỗ trợ đáng kể từ dữ liệu này, khi triển vọng kinh tế tại Mỹ kém sắc tiếp tục tạo ra áp lực. 

Hàng loạt các quan chức của cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua đã nhận mạnh về việc cần tiếp tục đối phó với lạm phát. Công cụ theo dõi lãi suất của CME Group hiện cho thấy có tới gần 90% ý kiến Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tháng 5. 

Báo cáo từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết mặc dù tồn kho dầu thô thương mại giảm, nhưng tồn kho xăng tăng 1,3 triệu thùng và tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm không đáng kể trong tuần trước, phần nào phản ánh sự hạn chế trong năng lực tiêu dùng, thúc đẩy lực bán dầu. 

Thêm vào các yếu tố gây áp lực, các công ty năng lượng của Mỹ đã bổ sung thêm 5 giàn khoan dầu khí trong tuần kết thúc ngày 21/04, sau 4 tuần giảm liên tiếp, theo số liệu của Hãng dầu khí Baker Hughes.  

Trong tuần này, các yếu tố vĩ mô vẫn sẽ chi phối nhiều đến xu hướng giá dầu, trong đó tâm điểm là dữ liệu GDP quý I và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 3 của Mỹ. 

Giá dầu có thể gặp áp lực trong tuần này

MXV nhận định, cho biết, giá dầu đã xóa bỏ phần lớn các mức tăng đột biến hồi đầu tháng 4 vừa qua, thời điểm mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng. Khi các rủi ro về nguồn cung đã được thị trường hấp thụ, yếu tố lo ngại về suy thoái kinh tế và bài toán nhu cầu sẽ chi phối tới xu hướng giá dầu nhiều hơn trong giai đoạn tới.

Trong tuần này, bức tranh nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tác động mạnh tới giá dầu, trong đó tâm điểm là dữ liệu tốc độ tăng trưởng GDP quý I.

Bên cạnh đó, dữ liệu lạm phát thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát yêu thích nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới thị trường, nhất là khi chỉ còn hơn 1 tuần sẽ diễn ra cuộc họp lãi suất. Trong trường hợp lạm phát vẫn cao hơn dự kiến và thúc đẩy việc thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài, lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng sẽ khiến giá dầu tiếp tục gặp áp lực.

Ngoài ra, các dữ liệu về tồn kho dầu và các sản phẩm lọc dầu trong thời gian tới cũng rất quan trọng, nhất là khi nhu cầu tích trữ gia tăng cho mùa cao điểm. Đây cũng là thước đo cho năng lực tiêu thụ và có ảnh hưởng lớn tới giá dầu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

 

 

Nguồn: Mxv