Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá lúa mì đang dẫn đầu đà giảm của nhóm nông sản. Bên cạnh báo cáo Cung – cầu tháng 3 được phát hành vào tối thứ Tư tuần này, triển vọng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có được tiếp tục gia hạn vào ngày 18/03 tới hay không cũng là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới giá lúa mì.

Về thỏa thuận sắp tới, các kịch bản dự đoán đang được giới phân tích đưa ra với khả năng gia hạn vẫn chiếm tỉ lê cao hơn. Tuy nhiên, ở trong tường hợp rủi ro, thỏa thuận ngũ cốc sẽ đổ vỡ và Ukraine buộc phải ngừng xuất khẩu nông sản thông qua Biển Đen. Khi đó, Ukraine sẽ chỉ có thể sử dụng các tuyến đường xuất khẩu thay thế: đường sắt qua biên giới phía tây, đường bộ và các cảng nhỏ trên sông Danube. Mặc dù năng lực xuất khẩu ngũ cốc qua các tuyến đường thay thế của Ukraine đã được cải thiện đáng kể, nhưng khối lượng nông sản còn mắc kẹt tại nước này là rất lớn và điều này sẽ gây áp lực lên hoạt động bảo quản và xuất khẩu. Với tình hình chiến tranh khó lường thì rủi ro hoạt động xuất khẩu lúa mì từ Ukraine bất ngờ bị gián đoạn nếu các điều khoản giữa 2 bên không đạt được sẽ là yếu tố hỗ trợ giá lúa mì, đặc biệt là ở vùng hỗ trợ tâm lí 700.

Bên cạnh nguồn cung, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu lúa mì trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu mở rộng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% vào năm 2023, khá khiêm tốn so với kỳ vọng mức tăng trưởng 5.5% của thị trường, một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc gia vẫn lo ngại về sự phục hồi của đất nước. Với hoạt động sản xuất vẫn chưa ghi nhận mức hồi phục đáng kể thì giá nông sản hay giá lúa mì vẫn sẽ khó có thể nhận mức tăng mạnh mà chỉ giằng co trên vùng 700.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv